09:39 31/07/2007

Vì sao Chứng khoán FPT dùng phần mềm ngoại nhập?

Hoàng Xuân

Là nhà cung cấp phần mềm cho ngành chứng khoán, nhưng chính công ty chứng khoán của FPT lại chọn phần mềm ngoại nhập

"Theo tôi, khi quyết định lựa chọn giải pháp ngoại nhập, vấn đề đầu tiên các công ty chứng khoán cần có là đội ngũ cán bộ giỏi và lựa chọn được đối tác triển khai có kinh nghiệm."
"Theo tôi, khi quyết định lựa chọn giải pháp ngoại nhập, vấn đề đầu tiên các công ty chứng khoán cần có là đội ngũ cán bộ giỏi và lựa chọn được đối tác triển khai có kinh nghiệm."
Là nhà cung cấp phần mềm cho ngành chứng khoán, nhưng chính công ty chứng khoán của FPT lại chọn phần mềm ngoại nhập.

Ông Lục Đình Vinh - Giám đốc Công nghệ thông tin của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), giải thích rằng đây là sự lựa chọn nhằm “đi tắt đón đầu” về công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán.

FPTS đã chọn giải pháp phần mềm của nhà cung cấp nào cho bài toán công nghệ của mình, thưa ông?

Chúng tôi đã chọn giải pháp của nhà cung cấp CMS và ASIAN CERC. Đây là phần mềm đã được sử dụng nhiều năm tại các nước có thị trường chứng khoán phát triển như: Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... và được thiết kế mở, dễ nâng cấp và phát triển mở rộng, cho phép FPTS có thể phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới tại Việt Nam.

Đầu tư cho một phần mềm ngoại như vậy có tốn kém không, thưa ông?

Đầu tư cho nhập khẩu phần mềm ngoại không đơn thuần chỉ là mua phần mềm mà là cả một quá trình tiếp nhận công nghệ vì vậy đòi hỏi có đầu tư thoả đáng. Tuy nhiên, cùng với việc nhập khẩu phần mềm, FPTS hiện vẫn đang kế thừa và sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi FPT nhằm đạt được sự cộng hưởng tối đa về công nghệ.

Trên thực tế, FPT đã thành công trong việc triển khai, nội địa hóa các giải pháp của nước ngoài như: Solomon, Oracle EBS và mới đây chính là phần mềm chứng khoán mà FPTS đã mua về. Như vậy, FPT đã đóng vai trò là nhà tích hợp hệ thống cho FPTS.

Ngoài ra, FPTS cũng đang sử dụng hạ tầng mạng hiện đại, có tốc độ và tính năng bảo mật cao của FPT để có thể đồng nhất các ứng dụng quản lý nội bộ chung như ứng dụng ERP - Oracle EBS, hệ thống quản lý nhân sự - HRM, hệ thống báo cáo quản trị FIFA - MIS.

Tại sao FPTS lại chọn giải pháp tốn kém như vậy, thay vì có thể dùng phần mềm do Tập đoàn FPT cung cấp?

Hiện tại có rất nhiều dịch vụ đã được sử dụng trên thế giới nhưng vẫn chưa được ứng dụng tại Việt Nam. Đây chính là lý do khiến FPTS quyết định “đi tắt đón đầu” về công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán. Đồng thời, cũng có thể coi đây là bước khởi đầu để FPTS chuẩn bị sẵn sàng mọi nội lực, chủ động tiếp cận và hội nhập sâu với thị trường chứng khoán quốc tế.

Theo ông, đối với các công ty chứng khoán việc áp dụng phần mềm ngoại nhập lúc này đã thích hợp chưa?

Tuy các giải pháp ngoại nhập có ưu điểm là được xây dựng bởi các nhà cung cấp quốc tế có nhiều năm kinh nghiệm nhưng cần phải điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu quản lý riêng biệt của thị trường chứng khoánViệt Nam. Với các giải pháp phần mềm thì tính ưu việt chính là sự phù hợp của giải pháp với nhu cầu sử dụng và năng lực của đội ngũ cán bộ.

Vì vậy, khi quyết định đầu tư giải pháp của nước ngoài (như trường hợp của FPTS) thì các công ty chứng khoán phải chắc chắn rằng, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, cán bộ kỹ thuật sẽ làm chủ được giải pháp công nghệ trước khi các chuyên gia nước ngoài về nước. Do đó, theo tôi, khi quyết định lựa chọn giải pháp ngoại nhập, vấn đề đầu tiên các công ty chứng khoán cần có là đội ngũ cán bộ giỏi và lựa chọn được đối tác triển khai có kinh nghiệm.

Do đã được sử dụng rộng rãi nhiều năm tại các nước có thị trường chứng khoán phát triển nên giải pháp phần mềm ngoại đã có sẵn các chức năng, ứng dụng để xử lý các vấn đề mà các giải pháp phần mềm của Việt Nam chưa thể sẵn sàng như: bán khống, phái sinh...

Từ năm 1999-2000, thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như chưa có gì, FSS - FPT đã xây dựng sản phẩm BOSC. Ngay cả sau này, quy mô thị trường vẫn còn rất nhỏ nên không doanh nghiệp nào lại đặt vấn đề xây dựng một sản phẩm quá hiện đại vào lúc đó.

Theo ông giải pháp phần mềm hữu hiệu nhất cho các công ty chứng khoán lúc này là gì?

Theo tôi, nên tùy thuộc vào quy mô, đối tượng khách hàng mục tiêu và khả năng tài chính cụ thể của mỗi công ty chứng khoán để quyết định nên lựa chọn sử dụng giải pháp phần mềm nội địa hay ngoại nhập. Nhìn chung, tại thời điểm này, các giải pháp trong nước vẫn đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý đặc thù và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập WTO nên các giải pháp nội địa cần chú ý đến khả năng phù hợp với tập quán, chuẩn mực quản lý tài chính quốc tế và khả năng mở rộng, tương thích khi quy mô hoạt động của công ty chứng khoán phát triển theo những biến chuyển của thị trường.