09:54 02/12/2021

Vì sao công nghiệp chế biến chế tạo vẫn mãi tụt hậu?

Vũ Khuê

Công nghiệp hỗ trợ trong nước mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, phần lớn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ…

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.
Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.

Trong báo cáo của Bộ Công Thương về thực trạng phát triển công nghiệp cho thấy, chế biến chế tạo là một trong bốn ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế (chế biến chế tạo, nông nghiệp, bán buôn bán lẻ và khoáng sản).

Bình quân giai đoạn 2011-2019, công nghiệp chiếm hơn 32% trong GDP của cả nước thì trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm khoảng 16,5% trong GDP.

TỶ LỆ NỘI ĐỊA HOÁ MÃI THẤP 

Tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm…

 

Với chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, Việt Nam hiện chủ yếu mới tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%.

Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp. Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất.

Dẫn số liệu, theo Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu. Ngành điện tử chủ yếu là lắp ráp, gia công sản phẩm.

Đối với chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, Việt Nam hiện chủ yếu mới tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%. Cụ thể, dệt may hiện 60% theo phương thức CMT (gia công), 35% theo phương thức FOB (đơn hàng đặt), 5% là ODM (tự thiết kế, sản xuất).

Quy mô nhập khẩu tăng gần 3 lần trong 10 năm qua, từ 106,7 tỷ USD năm 2011 lên 253,5 tỷ USD năm 2019. Tỷ trọng nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng từ 88,6% năm 2011 lên 91,1% vào năm 2015, 91,2% vào năm 2019 và ước tăng 91,5% vào năm 2020.

Đồng thời, Việt Nam cũng chưa đa dạng hoá được thị trường đầu vào của các ngành công nghiệp mà phụ thuộc quá lớn vào một số khu vực thị trường nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…

“Vì thế, hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực. Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ thực tế”, báo cáo nhận định.

CÔNG NGHỆ ĐANG SỬ DỤNG TỤT HẬU XA

Không những thế, trình độ công nghệ của ngành nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Bộ Công Thương phân tích, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.

Trong đó có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại.

Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%. Tỷ trọng công nghệ cao trong các doanh nghiệp nhà nước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức thấp và ngày càng giảm, trong khi tại các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng.

Mặc dù công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu nhưng các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp nhà nước lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ.

 

Có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại.

Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu (trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%). Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm vừa qua (các nước khác trong khu vực tỷ lệ tương ứng là 15-20%).

“Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao”, Bộ Công Thương nhận định.

Hơn nữa, trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2-3 thế hệ. Tỷ lệ máy móc được điều khiển bằng máy tính thấp, làm giảm khả năng tận dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tới nay, ngành cơ khí chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án công nghiệp có độ phức tạp cao như nhà máy nhiệt điện, alumin, dầu khí, hóa chất, lọc hóa dầu… 

Trong khi đó, chất lượng, năng suất lao động ngành công nghiệp cũng còn thấp, có khoảng cách khá xa so với các nước khác.

Trong cơ cấu việc làm ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm đến hơn 90% nhưng chủ yếu trong các ngành có công nghệ thấp và trung bình.

Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của cả nước giai đoạn 2011-2020 ước tăng 5,1% nhưng tốc này trong công nghiệp chỉ đạt 2,71%.

Điều đáng quan ngại, năng suất lao động của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn rất nhiều so với các phân ngành công nghiệp khác cũng như thấp hơn mức năng suất lao động chung của nền kinh tế.