16:11 25/12/2024

Vì sao doanh nghiệp vô tư chuyển tiền “hối lộ” qua tài khoản ngân hàng?

Đỗ Mến

Luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng logic thông thường, người đưa hối lộ thực hiện hành vi giấu kín, che đậy hoặc ngụy trang song trong vụ án chuyến bay giải cứu, bị cáo vô tư chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng với mật độ liên tục, đều đặn với số lượng lớn mà không có chút e dè, ngụy trang, giấu giếm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND TP Hà Nội đang xét xử vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 1 với 17 bị cáo về các hành vi Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân đã phân hóa, đánh giá nhóm bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ” thành 3 bậc F1,F2 và F3. Một số bị cáo là chủ doanh nghiệp các đơn vị lữ hành giữ vai trò trung gian, đưa tiền hối lộ để xin văn bản chấp thuận chuyến bay.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng (giám đốc Công ty TNHH PNR), luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng đại dịch năm 2020 – 2022 là khủng khiếp nhất từ trước đến nơi với nhiều tác động tiêu cực, hệ lụy.

Mong muốn hồi hương của hàng triệu công dân ở nước ngoài tăng đột biến, gây áp lực lên công tác phòng chống dịch bệnh. Chính phủ đã cho phép tổ chức các chuyến bay với hình thức trọn gói bằng kinh phí tự nguyện của công dân. Bị cáo Thắng mong muốn làm dịch vụ đưa khách lẻ về nước và nhằm duy trì doanh nghiệp, có tiền trả lương cho nhân viên.

Luật sư Tuyến nhấn mạnh, bị cáo phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, không nhận thức được hành vi của mình là sai trái, phạm pháp.

Luật sư Trịnh Tuyến bào chữa tại tòa.
Luật sư Trịnh Tuyến bào chữa tại tòa.

Theo luật sư, logic thông thường thì tiền hay vật chất dùng để hối lộ luôn được người thực hiện hành vi giấu kín, che đậy hoặc ngụy trang. Ở đó, chỉ có người đưa và người nhận hối lộ biết với nhau.

Tuy nhiên, trong trường hợp của bị cáo Thắng thì bị cáo này lại hồn nhiên, vô tư chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng với mật độ liên tục, đều đặn và với số lượng tiền lớn mà không hề e dè hay ngụy trang, giấu giếm.

Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới hiểu được tính nghiêm trọng khi chi tiền để xin văn bản chấp thuận. Do đó, luật sư cho rằng bị cáo chỉ giữ vai trò thứ yếu, không đáng kể và hành vi phạm tội giản đơn, thụ động.

Cùng đề cập đến bối cảnh chung, luật sư Nguyễn Anh Thơm – bào chữa bị cáo Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) cho rằng tiêu cực xuất phát từ cơ chế xin cho từ khối công. Còn luật sư khác nhấn mạnh bối cảnh dịch Covid hoành hành, cơ quan chức năng không có hướng dẫn rõ ràng khi tổ chức các chuyến bay theo hình thức tự nguyện. Luật sư Hoàng Văn Hướng lại đề nghị Hội đồng xét xử nhìn nhận khía cạnh là các công dân được về nước tương đối an toàn và bị cáo có ý thức nộp lại tiền khắc phục.

Các luật sư tham gia tố tụng trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2.
Các luật sư tham gia tố tụng trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2.

Bào chữa cho bị cáo Trần Tùng (cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên), luật sư Trang Vân cho rằng để ra được một chủ trương cần thông qua chấp thuận của nhiều ban ngành, cơ quan mà mỗi bị cáo lại là một mắt xích. Các bị cáo đã thực hiện hành vi sai phạm nhưng từ thực tế quản lý nhà nước cũng cho thấy những bất cập trong cơ chế xin – cho dẫn đến việc xảy ra bối cảnh chung của vụ án.

Theo cáo buộc, trong thời điểm xảy ra dịch Covid 19, lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương; trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ/nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.

Có bị can còn lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của Cơ quan chức năng.

Viện Kiểm sát xác định đây là vụ án tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Cơ quan Nhà nước, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trong hoàn cảnh đặc biệt người dân bị mắc kẹt trong đại dịch COVID-19 cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nói riêng