15:50 15/10/2024

Vụ ngân hàng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng: Lập khống hồ sơ, đưa hối lộ bằng cổ phiếu

Đỗ Mến

Các bên thống nhất, để tránh việc các công ty trên rơi vào nợ xấu nhóm 3, ông Bình phải huy động nguồn tiền khác để trả nợ cho các khoản vay đến hạn nhằm giảm dần dư nợ. Đồng thời dùng các pháp nhân khác lập khống hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh thẻ cào và bổ sung tài sản thế chấp trị giá bằng 70% khoản vay...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án “Đưa, nhận hối lộ”. Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra đã ra kết luận và đề nghị truy tố về vụ án này, song Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố 16 bị can về các tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Trong số đó có bị can Lã Quang Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY) và em gái là Lã Thị Phương Liên cùng bị đề nghị truy tố về 2 tội danh là “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Đưa hối lộ”.

Bị can Đào Hoàng Thắng (cựu Giám đốc ngân hàng chi nhánh Đống Đa) bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”. Bị can Nguyễn Hoài Anh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Tín Việt) bị đề nghị truy tố về 2 tội là “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Ngoài ra, 8 bị can khác bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và 4 bị can bị liên quan bị đề nghị truy tố tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

LẬP KHỐNG HỒ SƠ, VI PHẠM QUY ĐỊNH CHO VAY TIỀN

Theo kết luận điều tra, từ năm 2016-2020, ông Bình sử dụng 8 công ty, lập hồ sơ vay tiền ngân hàng với mục đích thanh toán ứng trước tiền điện cho các công ty điện lực, đầu tư kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác, trong đó có Công ty ECPAY .

Trong các năm 2018-2020, Công ty ECPAY được cấp hạn mức 1.000 tỷ đồng/năm, bảo đảm bằng các hợp đồng tiền gửi và trái phiếu do ngân hàng phát hành. Các công ty khác được cấp hạn mức 100 tỷ đồng/1 năm/1 công ty, trong đó 50% được bảo đảm bằng các hợp đồng tiền gửi, 50% là vay tín chấp.

Đến cuối năm 2020 do kinh doanh đình trệ, ông Bình cũng sử dụng tiền vào hoạt động bất động sản dẫn đến các khoản vay bị quá hạn. Do đó, các công ty điện lực dừng việc hợp tác với Công ty ECPAY. Bị mất nguồn thu nên khoản vay của các công ty trên rơi vào diện nợ xấu.

Năm 2021, Đoàn kiểm tra của ngân hàng tiến hành kiểm toán đối với chi nhánh Đống Đa, phát hiện Công ty ECPAY sử dụng vốn sai mục đích hơn 258 tỷ đồng. Đến tháng 5/2021, tổng dư nợ của 5 công ty trên là hơn 1.400 tỷ đồng.

Kết luận thể hiện, để có tiền trả nợ vay và chi trả cho các hoạt động, ông Bình cùng Lê Ngọc Quỳnh gặp Phạm Như Hà (phó giám đốc chi nhánh Đống Đa), Nguyễn Thành Nhân (Trưởng phòng Phòng khách hàng doanh nghiệp), Vương Thị Bích Ngọc (Phó Trưởng phòng Phòng khách hàng doanh nghiệp) nhờ cấp hỗ trợ hạn mức tín dụng mới 1.000 tỷ đồng.

Các bên thống nhất, để tránh việc các công ty trên rơi vào nợ xấu nhóm 3, ông Bình phải huy động nguồn tiền khác để trả nợ cho các khoản vay đến hạn nhằm giảm dần dư nợ. Đồng thời dùng các pháp nhân khác lập khống hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh thẻ cào và bổ sung tài sản thế chấp trị giá bằng 70% khoản vay.

Với chủ trương trên, ông Bình chủ trương chi tiền mua công ty mới, thuê người đứng tên đại diện pháp nhân và kế toán. Còn Lê Ngọc Quỳnh liên hệ, phối hợp với Nhân, Ngọc, Hiếu để làm giả giấy tờ, hợp thức hồ sơ vay tiền, mở L/C cho các công ty mới như lập khống phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng mua bán…

Mặc dù tháng 7/2021, ngân hàng yêu cầu chi nhánh Đống Đa ngừng giải ngân cho vay, thu hồi khoản nợ đến hạn với Công ty ECPAY song theo chủ trương, nhóm Hà, Nhân, Ngọc, Đắc, Bình vẫn tiếp tục lập khống hồ sơ để giải ngân.

Hồ sơ thể hiện, đến tháng 2/2023, ông Bình và đồng phạm sử dụng 68 công ty, lập khống hồ sơ để được giải ngân trái quy định hơn 2.200 tỷ đồng.

Kết luận cũng thể hiện, năm 2021, do cần tiền chi trả cho các hoạt động kinh doanh, Nguyễn Hoài Anh đề nghị và được Phạm Như Hà đồng ý cho các công ty của Hoài Anh lập khống hồ sơ để được cấp tín dụng.

Hoài Anh chỉ đạo các nhân viên lập khống hồ sơ mua bán thép với nhau để tạo phương án kinh doanh giả và được giải ngân hơn 72 tỷ đồng. Thực tế Hoài Anh sử dụng tiền này để mua bất động sản và các hoạt động khác. Sau đó ngân hàng tiếp tục giải ngân, tổng cộng là hơn 116 tỷ đồng.

Hoài Anh cho Lã Quang Bình vay lãi suất 0,4%/ngày để thu lợi cá nhân.

Đến ngày 14/7/2021, ông Bình trả được 35 tỷ đồng nợ gốc, nợ lại 85 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận cấn trừ nợ bằng cách ông Bình phải nhận lại 2 khoản vay của Công Ty Đại Nam, Công ty Phương Dung.

Kết luận điều tra bổ sung thể hiện, đối chiếu dư nợ và giá trị tài sản đảm bảo, trong vụ án này, tổng thiệt hại của ngân hàng là hơn 1.086 tỷ đồng.

ĐƯA HỐI LỘ BẰNG CỔ PHIẾU

Kết luận cũng thể hiện, cuối tháng 12/2020, do có nguy cơ các khoản vay bị chuyển nợ xấu, ông Bình đã gặp, trao đổi nhờ Đào Hoàng Thắng giúp đỡ giải ngân tiếp cho công ty của Bình. Ông Thắng gây khó dễ, yêu cầu Bình đưa tiền mới đồng ý giải ngân.

Ngày 22/1/2021, ông Bình bàn bạc và giao cho em gái Lã Thị Phương Liên đến gặp, thỏa thuận chuyển 300.000 cổ phiếu mã EIN, tương đương 3 tỷ đồng cho Thắng nhờ tạo điều kiện giúp đỡ. Đồng thời, ông Bình chỉ đạo nhân viên theo dõi, khi có tiền nước ngoài chuyển về thì chuyển tiếp cho Thắng 2 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo, Liên đến gặp ông Thắng. Ông Thắng ngầm hiểu đây là tài sản Bình đưa để nhờ giúp đỡ giải ngân.

Cơ quan điều tra xác định, ông Thắng nhận 200.000 cổ phiếu EIN và số cổ phiếu này nằm trong tài khoản của em gái ông Thắng.  Ông Thắng chỉ đạo Phạm Như Hà, phòng khách hàng doanh nghiệp cấp hạn mức tín dụng, giải ngân cho Công ty Thịnh Phát của Lã Quang Bình trái quy định.

 

Bộ Công an xác định, vụ án này có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến lĩnh vực tài chính, tín dụng ngân hàng nên được dư luận quan tâm.

Hành vi của các bị can là đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước, ảnh hưởng uy tín, hoạt động của hệ thống ngân hàng. Cơ quan điều tra cho rằng cần phải xử lý nghiêm.