09:32 06/06/2022

Vì sao sâm Ngọc Linh tại Kon Tum chết hàng loạt?

Châu Anh

Những vườn sâm Ngọc Linh con của người dân trồng ở 2 huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum bị chết tràn lan, khiến người trồng đối mặt nguy cơ trắng tay.

Sâm Ngọc Linh được định hướng là cây trồng chiến lược của tỉnh Kon Tum
Sâm Ngọc Linh được định hướng là cây trồng chiến lược của tỉnh Kon Tum

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum, sau khi nắm được thông tin về việc hàng loạt cây sâm Ngọc Linh non bị chết, những ngày đầu tháng 6 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra 3,2 ha tại xã Măng Ri - huyện Tu Mơ Rông phát hiện tỷ lệ cây bị bệnh 30%.

Tại huyện Đắk Glei, trong số trên 13.500 cây sâm 1 năm tuổi của các hộ dân ở 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong thì có 2.200 cây đã bị chết, số còn lại (11.300 cây) có tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh khoảng 35 đến 40%.

"Hàng loạt cây sâm Ngọc Linh non có triệu chứng điển hình vết đốm hoặc chấm dạng nhúng nước sôi nằm trong phiến lá hoặc mép lá xuất hiện chủ yếu ở cây sâm 1 năm tuổi. Vết bệnh lan dần vào làm cho lá bị thối nhũn và gục xuống. Bệnh lan dần vào phần thân; đa số cây có bộ rễ chưa bị thối. Xác định cây Sâm Ngọc Linh trên các vườn đã kiểm tra bị nhiễm bệnh chết rạp", đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kon Tum thông tin.

Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do các loại nấm (Phoma glomerata, nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp) gây ra. Trong thời gian từ tháng 3 đến nay, tại khu vực trồng Sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, trời âm u, ẩm độ cao tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát sinh, phát triển mạnh. Đa phần các vườn không có lưới che, nên khi cây Sâm còn nhỏ gặp mưa lớn tạo vết thương và qua đó nấm bệnh xâm nhập.

Trước thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Kon Tum đã có văn bản gửi UBND huyện Tu Mơ Rông hướng dẫn các biện pháp quản lý sinh vật gây hại trên cây Sâm Ngọc Linh.

UBND tỉnh Kon Tum cũng đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Khoa học công nghệ kiểm tra, nắm bắt tình hình trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh trên địa bàn, kịp thời có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra.

Ngoài ra, Sở phải nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam để có giải pháp hướng dẫn người dân phù hợp.

Sâm Ngọc Linh được coi là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum, mặc dù có lợi nhuận cao nhưng hiện tại người dân, nhất là hộ nghèo khó trồng được cây sâm Ngọc Linh bởi vốn đầu tư ban đầu quá lớn, ước tính để trồng 1 ha cần số vốn từ 10 - 13 tỷ đồng.

Việc hàng ngàn cây sâm Ngọc Linh non bị chết trong thời gian vừa qua khiến không ít hộ gia đình đang trồng loại cây này đối mặt với khó khăn.

Hiện nay, Kon Tum đã quy hoạch trên 31.700 ha diện tích trồng sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích vùng lõi có khả năng trồng sâm gần 17.000 ha.

Địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trồng hết diện tích khoảng trên 9.000 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp; hàng năm khai thác bình quân 800 ha và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của Kon Tum; đa dạng hóa sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.