06:02 05/08/2015

Vì sao tàu liên vận quốc tế ế khách?

Tịnh Trí

Tính quy đổi thì giá vé tàu từ Gia Lâm-Bắc Kinh hiện nay lên đến khoảng 6,7 triệu đồng, đắt gấp 4 lần đi ôtô

Một bất cập khi đi tàu liên vận quốc tế Gia Lâm - Nam Ninh là thủ tục hải quan, biên phòng làm ở hai đầu khá phức tạp, khiến hành khách đi tàu có cảm giác như bị hành. <br>
Một bất cập khi đi tàu liên vận quốc tế Gia Lâm - Nam Ninh là thủ tục hải quan, biên phòng làm ở hai đầu khá phức tạp, khiến hành khách đi tàu có cảm giác như bị hành. <br>
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện tại, hàng ngày giữa hai đường sắt Việt Nam và Trung Quốc chỉ chạy một đôi tàu khách liên vận quốc tế qua cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn.

Hàng tuần, tại ga Gia Lâm (Hà Nội) nối một toa xe nằm mềm vào đoàn tàu Z6 Nam Ninh - Bắc Kinh Tây. Dù đã có nhiều cải cách trong chạy tàu, nhưng với tuyến đường sắt liên vận quốc tế chủ lực này lại vận hành khá ì ạch.

Nhiều ý kiến phản ánh: do giá vé tàu cao, thủ tục rườm rà, khiến hành khách ngoảnh mặt.

Khách sụt giảm

Cũng trong tuần, vào các ngày thứ Năm và Chủ Bhật, tại ga Bắc Kinh Tây nối một toa xe nằm mềm vào vị trí toa xe số 9 của đoàn tàu Z5 Bắc Kinh - Tây Nam, đến Nam Ninh chuyển tải hành khách sang toa xe đánh số L1 nối vào vị trí toa xe số 4 của đoàn tàu xuất phát tại ga Nam Ninh và đến ga Gia Lâm

Với lịch chạy khá dày như vậy, quãng thời gian trên tàu gần 10 tiếng đồng hồ cho quãng đường 396 km, Hà Nội - Nam Ninh mang lại cho hành khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Tuy nhiên, lượng khách đi tàu này đã sụt giảm trong ba năm qua.

Năm 2013, tổng số hành khách là 40.830 người, đến năm 2014, lượng khách giảm còn 30.679 khách. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, chỉ có 17.606 khách. Đây là bước đi “giật lùi” đáng lo ngại trong bối cảnh đường sắt tái cơ cấu mạnh.

Ông Phạm Công Trịnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, lý do khách giảm vì giá vé cao, với hệ số là 3,81 áp dụng từ ngày 1/2/2009 (trong khi hệ số của đường sắt Việt Nam hiện là 1,7).

Tính quy đổi thì giá vé tàu từ Gia Lâm-Bắc Kinh hiện nay lên đến khoảng 6,7 triệu đồng, so với thời điểm trước đó chỉ là khoảng 3,3 triệu đồng. So với đi bằng ôtô đắt gấp 4 lần.

“Dù biết giá vé cao, nhưng muốn giảm giá thì chúng tôi không thể một mình tự quyết. Trong năm 2009, đường sắt Việt Nam đã tiến hành đàm phán với đường sắt Trung Quốc giảm 55% giá vé tàu khách liên vận quốc tế và đã đạt việc giảm giá vé đối với hành khách đi tàu trên khu đoạn Gia Lâm-Nam Ninh. Tuy nhiên, việc giảm giá vé cho hành khách tàu liên vận quốc tế đi quá Nam Ninh vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của phía Trung Quốc”, ông Trịnh nói.

Bỏ thủ tục rườm rà, chờ thỏa thuận

Đặc biệt, đường sắt Việt Nam chưa đạt được thỏa thuận với đường sắt Trung Quốc về việc bán vé khứ hồi trực tiếp cho hành khách đi tàu liên vận quốc tế kết hợp với việc giá vé cao, là một trở ngại lớn cho việc phát triển luồng hành khách tàu liên vận quốc tế đi qua Nam Ninh đến Bắc Kinh và ngược lại.

Trong khi chưa đạt được thỏa thuận, một bất cập khi đi tàu liên vận quốc tế Gia Lâm - Nam Ninh là thủ tục hải quan, biên phòng làm ở hai đầu khá phức tạp, khiến hành khách đi tàu có cảm giác như bị hành.

Hành khách đi tàu liên vận quốc tế bắt buộc phải có hộ chiếu, visa, trong khi nếu đi bằng đường bộ chỉ cần giấy thông hành.

Tất cả những điều đó khiến nhiều hành khách một đi không trở lại. Ông Trịnh cho biết, tại ga Đồng Đăng (Việt Nam) và ga Bằng Tường (Trung Quốc), hành khách khi làm thủ tục xuất nhập cảnh còn phải mang hành lý xuống tàu để kiểm tra.

Điều này dẫn đến, tổng thời gian chờ làm các thủ tục hành chính tại hai ga Đồng Đăng và Bằng Tường bị kéo dài đến 3 giờ. Những thủ tục rườm rà này khiến hành khách không mặn mà với đường sắt liên vận quốc tế.

Để gỡ khó và hút khách cho tuyến đường sắt liên vận, lãnh đạo ngành đường sắt đã có văn bản đề nghị đàm phán với đường sắt Trung Quốc về việc chạy tàu khách liên vận quốc tế Hà Nội-Côn Minh chuyển tải hành khách tại ga Hà Khẩu Bắc.

Tổng công ty Đường sắt đề xuất Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách xuất nhập cảnh cũng như kiểm tra biên phòng, hải quan trên tàu, áp dụng “một cửa, một lần dừng”.

Cho phép hành khách sử dụng giấy thông hành du lịch khi thông quan qua cửa khẩu đường sắt. Mặt khác, đề nghị nâng cấp, trang bị cho các ga liên vận quốc tế, đặc biệt là ga Gia Lâm và ga Đồng Đăng nhằm đạt tiêu chuẩn ga quốc tế, tiến tới kiến nghị với các cơ quan bộ, ngành cho phép áp dụng làm thủ tục xuất cảnh tại ga xuất phát.