15:45 08/05/2024

Vì sao thế hệ tiêu dùng Gen Alpha sẵn sàng chi mạnh tay?

Băng Hảo

Ước tính đến năm 2025 sẽ có hơn 2 tỷ người thuộc nhóm Gen Alpha. Vì vậy, Gen Alpha đang dần trở thành đối tượng mục tiêu của nhiều thương hiệu trong các chiến dịch quảng cáo và marketing…

Ảnh: Parents
Ảnh: Parents

Sinh từ năm 1997 – 2012, Gen Z là thế hệ đi đầu trong các nền tảng và xu hướng truyền thông mới. Tuy nhiên, kỷ nguyên của Gen Z cũng sẽ sớm bị thay thế bởi các gương mặt mới, đó là Gen Alpha. Đến cuối thập niên này, những bạn trẻ trong nhóm độ tuổi 8 - 15 tuổi sẽ bước vào giai đoạn trưởng thành và dự đoán sớm trở thành nhóm người tiêu dùng đông đảo nhất. Theo công ty tư vấn nghiên cứu McCrindle, sức mua của thế hệ này dự kiến đạt 5,46 nghìn tỷ USD vào năm 2029.

Bố mẹ của Gen Alpha chính là Gen Y – một thế hệ mong muốn con cái của mình có thể trải nghiệm và tiếp xúc với nhiều điều khác nhau. Họ không tiếc tiền để mang đến những điều tốt nhất cho con cái. Điều này khiến Gen Alpha không ngại chi tiêu cho những món đồ xa xỉ.  Đây cũng được dự đoán là nhóm người tiêu dùng đông đảo hơn cả Gen Z. Theo báo cáo của Kantar, Gen Alpha đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu mua sắm, hiện ⅓ dân số trong độ tuổi 7 - 12 đang tự mua đồ uống hay đồ ăn mỗi tuần một lần.

Bên cạnh đó những đứa trẻ lớn lên cùng công nghệ và sành sỏi với thế giới kỹ thuật số sẽ có những nhu cầu, cách thức chi tiêu riêng biệt. Công ty McCrindle cho rằng việc nghiên cứu và thấu hiểu hành vi của từng thế hệ giúp các doanh nghiệp có tầm nhìn xa hơn, đưa ra các chiến lược đầu tư dài hạn và xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai, theo Fortune.

Đến cuối thập niên này, những bạn trẻ trong nhóm độ tuổi 8 - 15 tuổi sẽ bước vào giai đoạn trưởng thành.
Đến cuối thập niên này, những bạn trẻ trong nhóm độ tuổi 8 - 15 tuổi sẽ bước vào giai đoạn trưởng thành.

Ông Mark McCrindle, nhà sáng lập công ty, chỉ ra rằng không gian trực tuyến nơi Gen Alpha dành nhiều thời gian thường có tính thương mại cao. "Không có gì ngăn cản thế hệ trẻ mua hàng trực tuyến thông qua các nền tảng thanh toán kết nối với tài khoản của cha mẹ", McCrindle nhận định chính điều này khiến Gen Alpha trở thành thế hệ tiêu dùng nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ.

Gen Alpha cũng sử dụng phổ biến các nền tảng như Instagram, Tiktok, và Youtube để chia sẻ nội dung. Theo dự báo năm 2024 của EMarketer, 58% trẻ em Mỹ sẽ xem YouTube ít nhất một lần mỗi tháng. Không giống như các nền tảng khác, trẻ em có thể dễ dàng truy cập YouTube vì không cần tạo tài khoản bằng email đã được xác minh. Vì vậy, các doanh nghiệp nên cân nhắc hoạt động trên đa dạng nền tảng để kéo gần khoảng cách với Gen Alpha và xây dựng tệp khách hàng tiềm năng từ sớm.

Trong lĩnh vực thời trang, theo Bain & Company, công nghệ Web 3.0, gồm metaverse và NFT (Non-Fungible Token), sẽ giúp thúc đẩy doanh số hàng xa xỉ trong tương lai và giúp chúng dễ dàng tiếp cận với người dùng trẻ hơn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội trở nên phổ biến, hàng xa xỉ lại càng dễ dàng chạm đến người tiêu dùng trẻ hơn thông qua phong cách thời trang của các ngôi sao, KOLs.

Và các thương hiệu hàng xa xỉ đã rất nhanh chóng tận dụng điều này. Đơn cử, để quảng bá cho hai thiết kế mới mùa Thu Đông, Louis Vuitton đã chọn Emma Chamberlain và Charli D'Amelio - hai cô gái Gen Z là ngôi sao trên mạng xã hội, làm gương mặt đại diện.

Các xu hướng làm đẹp trên mạng xã hội đang thúc đẩy nhiều trẻ em sử dụng mỹ phẩm.
Các xu hướng làm đẹp trên mạng xã hội đang thúc đẩy nhiều trẻ em sử dụng mỹ phẩm.

Khi mạng xã hội ngày càng tích hợp nhiều tính năng để người dùng có thể liên tục "khoe" cuộc sống cá nhân của mình, hàng xa xỉ đã trở thành phương tiện để người trẻ thể hiện và khẳng định bản thân. Sasha Skoda - Giám đốc chuyên mục Phụ nữ tại The RealReal, một chợ trực tuyến hàng xa xỉ, nhận xét: "Chưa bao giờ chúng tôi thấy ​​sự tăng trưởng giữa người mua và người gửi hàng cao cấp thuộc Gen Alpha như thế, đặc biệt khi họ săn lùng những món đồ độc đáo hơn để thể hiện phong cách cá nhân của mình".

Tại Hàn Quốc, lượng mua hàng của người ở độ tuổi dưới 20 tăng gấp đôi mỗi năm, vượt xa mức tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ nói chung kể từ năm 2016. Theo Kwak Geum-joo, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, xu hướng này là sự khác biệt trong văn hóa giữa các thế hệ. Ngược lại với người lớn tuổi hình thành thói quen tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, thế hệ trẻ sinh ra trong thời kỳ sung túc quan tâm nhiều hơn đến việc tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống. "Họ nghĩ đó là khoản đầu tư cho bản thân. Họ sẵn sàng trả tiền nếu sản phẩm mang lại sự hài lòng và niềm vui. Họ cho rằng nó xứng đáng", ông Kwak nói.

Tương tự, các xu hướng làm đẹp trên mạng xã hội đang thúc đẩy nhiều trẻ em sử dụng mỹ phẩm. Thậm chí, trẻ em thuộc Gen Alpha cũng đang đưa ra mong muốn với phụ huynh nhằm có được các sản phẩm chăm sóc da đắt tiền, có chức năng chống lão hóa, theo The Guardian. Báo cáo của Kantar chỉ ra thanh thiếu niên đang chủ động tìm kiếm các đề xuất về chăm sóc da và trang điểm trên mạng xã hội, bất kể tính phù hợp của sản phẩm với lứa tuổi. 

các tổ chức kinh doanh ngày nay nên nghĩ đến người tiêu dùng tương lai ở Gen Alpha.
các tổ chức kinh doanh ngày nay nên nghĩ đến người tiêu dùng tương lai ở Gen Alpha.

Mới đây, thương hiệu Dove đã triển khai một chiến dịch mới mang tên #TheFaceof10. Đây được xem là một trong những chiến dịch lớn đầu tiên của Dove nhắm tới nhóm người tiêu dùng trẻ - Gen Alpha, với thông điệp bảo vệ các cô gái trẻ trước những nội dung sai lệch chăm sóc da chống lão hóa. Theo nghiên cứu, những cô gái thuộc thế hệ Gen Alpha (trong độ tuổi 10 - 17) dường như đang bị ám ảnh quá mức bởi nhu cầu chăm sóc sắc đẹp.

Cassandra Napoli, chiến lược gia cấp cao của WGSN Insight nhận định bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của mạng xã hội, Gen Alphas là những người theo chủ nghĩa cá nhân và hướng tới giá trị về sức khỏe. Nhận thức sâu sắc về khí hậu, Gen Alpha sẽ ưu tiên tính bền vững, từ đổi mới vật chất đến các hình thức gặp mặt trực tiếp ưu tiên kết nối con người. Các yếu tố môi trường sẽ được ưu tiên hàng đầu khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng trong cuộc đời của họ.

Nhà xã hội học Mark McCrindle, người được xem là đặt ra thuật ngữ Gen Alpha, cho rằng nhóm người tiêu dùng này  đã có sự ảnh hưởng từ các thương hiệu sau nhiều năm tồn tại, với những thói quen sẽ sớm thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống. Ông McCrindle viết trong một báo cáo gần đây: “Đến năm 2029, khi thế hệ Alpha lớn tuổi nhất bước vào tuổi trưởng thành và thế hệ Alpha trẻ nhất được 5 tuổi, mốc kinh tế của họ sẽ đạt hơn 5,46 nghìn tỷ USD. Điều này có nghĩa là các tổ chức kinh doanh ngày nay nên nghĩ đến người tiêu dùng tương lai ở Gen Alpha”.