Vì sao Thuỵ Sỹ sắp trưng cầu dân ý về “xã hội không tiền mặt”?
Người dân Thuỵ Sỹ sẽ có cơ hội để đảm bảo rằng nền kinh tế nước này sẽ không bao giờ trở thành một “xã hội không tiền mặt” - một tổ chức vận động ở nước này cho hay, sau khi thu thập đủ chữ ký để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này...
Theo tin từ Reuters, tổ chức mang tên Phong trào Thuỵ Sỹ Tự do (FBS) nói rằng tiền mặt đang đóng một vai trò ngày càng suy giảm ở nhiều nền kinh tế, khi các thương thức thanh toán điện tử trở thành mặc định cho giao dịch trong các xã hội có mức độ số hoá ngày càng lớn. Đây là cơ sở để nhà nước giám sát hành động của người dân dễ dàng hơn – theo FBS.
Vì lý do trên, FBS muốn một điều khoản được bổ sung vào luật tiền tệ của Thuỵ Sỹ, luật quy định cách thức Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) và Chính phủ nước này quản lý cung tiền. Điều khoản mà FBS mong muốn bổ sung quy định rằng một “số lượng đủ” tiền giấy hoặc tiền mặt phải luôn được lưu thông trong nền kinh tế.
Trên thực tế, theo Reuters, chưa có bằng chứng nào cho thấy Chính phủ Thuỵ Sỹ có động thái nhằm tiến tới một xã hội không tiền mặt.
FBS cho biết đã thu thập được hơn 111.000 chữ ký nhằm ủng hộ điều khoản trên, vượt con số 100.000 chữ ký cần thiết để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý. Trong hệ thống dân chủ trực tiếp của Thuỵ Sỹ, đề xuất sẽ trờ thành luật nếu được người tri ủng hộ, nhưng Chính phủ và Quốc hội sẽ quyết định điều luật đó được thực thi như thế nào.
“Rõ ràng, việc loại bỏ tiền mặt không chỉ động chạm tới các vấn đề minh bạch, đơn giản hoá hoặc an ninh, mà còn đặt ra nguy cơ lớn về giám sát chuyên chế”, Chủ tịch Richard Koller của FBS viết trên website của tổ chức.
Ông Koller cũng xem Thuỵ Sỹ là quốc gia gánh vác tiêu chuẩn của châu Âu cho việc bảo vệ tiền mặt, vì thúc đẩy sự đảm bảo như vậy trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ kéo theo một quy trình “gần như không thể” là giành sự ủng hộ của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU.
Được đẩy nhanh trong những đợt phong toả chống Covid-19, xu hướng thanh toán không sử dụng tiền mặt thực ra đã rõ ràng từ năm 2017, khi một cuộc khảo sát của Ipsos phát hiện thấy hơn 1/3 người châu Âu và Mỹ sẵn sàng ra ngoài mà không cần mang theo tiền mặt và khoảng 20% thường xuyên làm như vậy.
Tuy nhiên, tiền mặt vẫn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Thuỵ Sỹ. Một cuộc khảo sát của nền tảng người tiêu dùng Moneyland cho thấy 67% người dân Thuỵ Sỹ tin rằng tiền mặt là hoàn toàn không thể thiếu được và 96% sử dụng tiền mặt để thanh toán. Nhiều người Thuỵ Sỹ, nhất là người cao tuổi, giữ thói quen thanh toán các hoá đơn hàng tháng tại bưu điện bằng tiền mặt, thậm chí bằng đồng 1.000 Franc - đồng tiền giấy có mệnh giá cao nhất ở nước này.
Trang The Local đã chỉ ra một số lý do cho việc tiền mặt vẫn được ưa chuộng ở Thuỵ Sỹ trong bối cảnh các phương thức thanh toán phi tiền mặt ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Các lý do này bao gồm chủ nghĩa dân tộc và cả sự thận trọng.
Thế hệ người lớn tuổi ở Thuỵ Sỹ đặc biệt đề cao giá trị bảo mật và nặc danh của việc thanh toán bằng tiền mặt. “Thanh toán tiền mặt mang lại sự bảo mật lớn hơn nhiều so với các phương thức thanh toán khác”, Moneyland nhận định trong một báo cáo. Trong khi đó, “các giao dịch bằng thẻ tín dụng, thẻ trả trước và thẻ ghi nợ được ghi lại bởi các định chế tài chính tham gia quy trình thanh toán. Các giao dịch ví di động bị ghi lại bởi các công ty công nghệ lớn như Google và Apple, chưa kể các nhà cung cấp dịch vụ tài chính”.
Cũng theo cuộc khảo sát của Moneyland, việc không mua hàng online cũng được xem là an toàn hơn. “Cùng với sự phát triển của số hoá, tội phạm trực tuyến và gian lận trực tuyến cũng phát triển. Các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng ở Thuỵ Sỹ thường xuyên là mục tiêu của tội phạm mạng và những phần tử lừa đảo. Tiền mặt có thể bị đánh cắp vật lý tại một địa điểm, nhưng ‘tiền điện tử’ có thể bị đánh cắp từ bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào”, theo báo cáo.
Khi đặt mua hàng trên mạng, nhất là từ các nhà bán hàng Thuỵ Sỹ, người dân nước này thường bấm nút “gửi hoá đơn”. Khi hoá đơn được gửi tới, họ thanh toán tại bưu điện. Việc đặt chuyến bay hoặc kỳ nghỉ cũng thường bao gồm các bước đi tới đại lý du lịch và trả bằng tiền mặt. Nhiều người Thuỵ Sỹ cũng giữ quan điểm sử dụng tiền mặt sẽ giúp hạn chế việc mua sắm và vay nợ.
“Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn khi sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số nếu so với khi họ chi tiêu tiền mặt”, theo Moneyland.