09:46 08/10/2009

Việt Nam - Ấn Độ hướng tới kim ngạch 3 tỷ USD vào 2010

Y Nhung

"Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ hoàn toàn có thể cán đích 3 tỷ USD vào năm 2010”.

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Ấn Độ.
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Ấn Độ.
"Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ hoàn toàn có thể cán đích 3 tỷ USD vào năm 2010”.

Đó là nhận định đã được ngài T. L Muana, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam đưa ra tại “Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam- Ấn Độ” được tổ chức ngày 7/10, tại Hà Nội.

Theo ngài T. L Muana, năm 2009 ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng đã khiến cho thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và Asean có hiệu lực, quan hệ thương mại Việt Nam- Ấn Độ sẽ thay đổi nhanh chóng.

Thêm nữa, hiện đang có rất nhiều tập đoàn lớn và doanh nghiệp của Ấn Độ như Tata, Essar… quan tâm đến việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như: khai thác khoáng sản, công nghiệp ô tô, thép, dầu khí, năng lượng…

Trong năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt gần 2,5 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 387 triệu USD, nhưng nhập khẩu tới 2,1 tỷ USD. Trong bảy tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 190 triệu USD, nhập khẩu từ thị trường này là 946 triệu USD.

Tuy tán thành với nhận định trên, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên vẫn lưu ý các doanh nghiệp nước ta rằng: Trong trao đổi thương mại với Ấn Độ, thâm hụt thương mại đối với Việt Nam ngày càng lớn. Để giải quyết tình trạng này các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đưa ra các đề xuất và phối hợp cùng phía Ấn Độ nhằm giảm tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Theo đó, qua diễn đàn này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đề nghị các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường, nhu cầu của đối tác cũng như giới thiệu được các mặt hàng mình có thế mạnh; tìm hiểu tập quán thương mại giữa các bên từ đó có định hướng chiến lược xuất nhập khẩu lâu dài vào thị trường hai nước.

“Hiện các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh về nông sản, thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ…”, Thứ trưởng Biên gợi ý thêm. Còn “Doanh nghiệp Ấn Độ có thế mạnh về dược phẩm, trang thiết bị y tế, công nghệ thông tin…”, bà Manju Kalra, Giám đốc Liên hiệp các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đại diện cho đoàn doanh nghiêp Ấn Độ chia sẻ.