08:00 28/05/2007

Việt Nam - Brazil chú trọng thương mại và đầu tư

Minh Thư

Brazil nhập khẩu chủ yếu là dầu khí, máy móc, than, phân bón, hóa chất, dầu, dụng cụ quang học, sắt thép, ngũ cốc

Thu hoạch cà phê tại Brazil.
Thu hoạch cà phê tại Brazil.
Hai nước có những tiềm năng có thể hợp tác hỗ trợ cho nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngoài chính trị, kinh tế - thương mại, hai bên đã thỏa thuận mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khoa học-công nghệ, năng lượng, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao.

Đó chính là cơ sở để đưa quan hệ Việt Nam-Brazil lên tầm cao mới nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại Brazil.

Cộng hòa Liên bang Brazil, ở Nam Mỹ, có diện tích 8.511.965 km2, dân số 188 triệu người (2006). Là nền kinh tế hàng đầu ở Mỹ Latinh, Brazil giàu tài nguyên thiên nhiên: sắt, măng gan, bôxít, niken, nhôm, uranium, đá quý, gỗ và dầu khí.

Là nước đứng đầu thế giới về sản xuất đường mía và cà phê, Brazil sản xuất 1/2 sản lượng cà phê thế giới. Brazil cũng là một trong 4 nước đứng đầu thế giới về chăn nuôi. Năm 2006, GDP của nước này tăng 3,5%, đạt trên 800 tỷ USD, đứng đầu Mỹ Latinh, xếp thứ 12 trên thế giới; xuất khẩu đạt 132 tỷ USD ( tăng 11,6% so với 2005); nhập khẩu 84,2 tỷ USD ( tăng 25,6%); FDI đạt 17,2 tỷ USD (tăng 13%); dự trữ ngoại tệ tính tới 9/2006 đạt 70 tỷ USD (tnăg 29 tỷ so với 2005).

Nông nghiệp chiếm 9% GDP, sản phẩm chủ yếu là cà phê, đậu tương, đường mía, ca cao, lúa gạo, thịt gia súc, ngô, cam chanh, bông. Công nghiệp chiếm 32% GDP, sản phẩm hàng đầu là thép (đứng thứ hai thế giới). Dịch vụ chiếm khoảng 59% GDP.

Brazil xuất khẩu chủ yếu là cà phê, đỗ tương, đường mía, nước cam, thịt bò, gà, giầy dép, ô tô, vật tư vận tải, nồi hơi, sắt thép và kim loại, máy bay quân- dân sự, vũ khí và thiết bị quân sự... Các thị trường xuất khẩu chính là: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Achentina, Venezuela. Brazil nhập khẩu chủ yếu là dầu khí, máy móc, than, phân bón, hóa chất, dầu, dụng cụ quang học, sắt thép, ngũ cốc. Các thị trường nhập khẩu chính: Mỹ, Achentina, Đức, Nhật, Trung Quốc, Venezuela (dầu), Bôlôvia (khí)...

Mỹ là nước đầu tư lớn nhất, tiếp sau là Tây Ban Nha, Đức, Nhật, Pháp và Anh. Tuy nhiên, nền kinh tế Brazil vẫn còn gặp một số khó khăn như nợ nước ngoài lớn (181,6 tỷ USD), tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (10,4%), khoảng cách giàu nghèo khá rộng.

Brazil là nước lớn và có vai trò hàng đầu khu vực Mỹ Latinh, đang từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế, đi đầu trong việc thúc đẩy liên kết, hội nhập khu vực, đóng vai trò lãnh đạo G-20 bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển tại Vòng đàm phán Doha.

Về quan hệ hợp tác, hai nước đã ký nhiều văn kiện quan trọng. Đó là Hiệp định hợp tác văn hóa (10/2003) và Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại. Tháng 11/2004, Brazil và Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO và thỏa thuận trao đổi công hàm dành cho nhau quy chế tối huệ quốc nhằm giảm thực chất hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong thương mại song phương.

Hai bên cũng đã ký thỏa thuận tham khảo chính trị giữa hai bộ Ngoại giao (10/95) và đang tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác khác (hợp tác về thể dục- thể thao, sản xuất và sử dụng etanol thay thế xăng...), nhằm làm đầy đủ hơn hành lang pháp lý cho việc phá triển quan hệ giữa Việt Nam và Brazil.

Những năm gần đây trao đổi thương mại giữa hai nước có xu hướng tăng dần. Kim ngạch hai chiều năm 2004 đạt 75 triệu USD (Việt Nam xuất 45 triệu USD); năm 2005 đạt 113,8 tiệu USD (Việt Nam xuất 34,7 triệu USD); năm 2006 là 204 triệu USD ( trong đó Việt Nam xuất 71 triệu USD và nhập 133 triệu USD).

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Brazil than, gạo, hàng dệt may, giày dép, săm lốp, xe đạp, xe máy, cùi dừa khô, đồ gỗ hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ; nhập khẩu từ Brazil chủ yếu là bột mì, dầu đậu tương, khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, thép lá, thép ống, giấy và bột giấy, gỗ bạch đàn và da. Brazil đang xem xét việc nhập khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2007.

Brazil sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với ta về đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm được tham gia vào các dự án thủy điện ở Việt Nam, mời Việt Nam tham gia dự án chung sản xuất cồn ethanol (nhiên liệu chiết xuất từ mía đường có thể thay thế xăng dầu), hợp tác sản xuất máy bay (như đã làm với Trung Quốc).

Ngoài ra, hai nước còn có thể phát triển hợp tác trên các lĩnh vực khác như dầu khí, chế tạo máy, nông nghiệp và chăn nuôi, chế biến thực phẩm, y tế (phòng chống HIV/AIDS, buôn bán dược phẩm)...

Tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, Việt Nam và Brazil duy trì quan hệ hợp tác và phối hợp thường xuyên. Tại Liên hợp quốc, hai bên chia sẻ quan điểm về mở rộng thành phần Uỷ viên thường trực. Việt Nam ủng hộ Brazil ứng cử làm Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an. Brazil cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử ghế Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an khóa 2008-2009.