08:58 01/05/2021

Việt Nam có cải thiện về năng suất lao động

Hương Loan

Năng suất lao động Việt Nam đang tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia...

Vẫn cần một cuộc “cách mạng” để thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động
Vẫn cần một cuộc “cách mạng” để thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động

Chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam - Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết năng suất lao động năm 2020 của Việt Nam tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019 và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này có cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

CÓ TĂNG NHƯNG CHƯA ĐỦ NHANH 

Giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).

Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).

Tổ chức Lao động Quốc tế 

Mặc dù có mức tăng trưởng năng suất lao động cao, nhưng ông Lộc nhấn mạnh, vẫn chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của ILO, thấp hơn 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.

Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

VẪN CÒN KHIÊM TỐN VÀ KHÔNG ỔN ĐỊNH 

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), cũng chỉ ra một số bất cập về năng suất lao động của Việt Nam trong 3 thập niên cải cách và hội nhập (1990-2020).

Đó là, năng suất lao động toàn nền kinh tế đã và đang tăng qua các năm nhưng với tốc độ khiêm tốn và không ổn định. Về giá trị tuyệt đối, năng suất lao động toàn nền kinh tế tăng từ 18,29 triệu đồng/lao động lên mức 68,40 triệu đồng/lao động năm 2019, tăng 3,74 lần. Trung Quốc là nước có mức năng suất lao động tương tự Việt Nam năm 1990 nhưng đã tăng trưởng 8,98% mỗi năm, hay 9,4 lần vào năm 2017. “Kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa ngoạn mục. Tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại”, ông Thành nhận định.

 

“Kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa ngoạn mục. Tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại”,

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS)

Không chỉ vậy, tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam trong thời gian qua chia theo 3 giai đoạn cũng cho thấy điều này. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam tích cực xóa bỏ các rào cản thị thường và hội nhập một cách quyết đoán vào cộng đồng quốc tế. Những nỗ lực này khởi đầu cho sự tăng trưởng đáng kể năng suất lao động Việt Nam, đạt đỉnh 7,13% vào năm 1995.

Trong giai đoạn thứ hai bắt đầu từ giữa thập niên 1990, tăng trưởng năng suất lao động đã chậm lại. Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã làm xáo trộn nền kinh tế Việt Nam. Quan trọng hơn, tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào đầu tư vốn lớn với sự giảm sút về hiệu quả vốn.

Trong giai đoạn thứ ba (tính từ năm 2013 đến nay), tình hình bắt đầu cải thiện và tăng trưởng năng suất lao động dần bắt kịp tốc độ của giai đoạn đầu tiên (cho đến khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu vào năm 2020). Đóng góp của TFP vào năng suất lao động tăng cao như mức 73% trong giai đoạn 2011-2019, trong khi đóng góp của cường độ vốn giảm. Động lực chính của tăng trưởng đã chuyển từ nặng về đầu tư sang cải thiện hiệu quả đúng nghĩa.

Đặc biệt, tăng trưởng năng suất lao động cao nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng. Theo sau đó là khu vực dịch vụ. Trong khi đó, khu vực nông, lâm, thủy sản có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cũng như mức năng suất lao động thấp nhất.

Nếu xét theo thành phần sở hữu, năng suất lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã giảm đáng kể, bắt đầu từ thập niên 2000, trong khi khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước tăng ổn định. “Mức thấp và thậm chí là suy giảm của năng suất lao động khu vực FDI là đáng ngạc nhiên, vì FDI được cho là mang lại công nghệ cao cùng sự cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam và đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước. Nhưng rõ ràng điều này đã không xảy ra như mong đợi”, ông Thành chia sẻ.

CẦN ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA NĂNG SUẤT "BẮT BỆNH" CHO DOANH NGHIỆP 

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam

"Việt Nam cần dựa vào thể trạng năng suất lao động của doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp, chứ không sao chép các mô hình nước ngoài. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên gia năng suất lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, đòi hỏi đội ngũ chuyên gia đủ năng lực để đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, “bắt bệnh” cho các doanh nghiệp và đưa ra đơn thuốc cho vấn đề năng suất lao động Việt Nam. Tức là cần có đội ngũ chuyên gia năng suất đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đổi mới về khoa học công nghệ rất nhanh, nhưng đổi mới về tư duy, năng lực của cán bộ vận hành công nghệ không theo kịp. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp bỏ rất nhiều tiền để đầu tư công nghệ, nhưng hệ thống quản lý không theo kịp vì thế vận hành không hiệu quả. Lực lượng có thể mang lại cải cách, thay đổi năng suất lao động cho Việt Nam là rất cần thiết, song lại đang rất thiếu. Vì thế cần nâng cao năng lực của đội ngũ này".

NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG LÀ CHÌA KHOÁ CỦA NĂNG LỰC CẠNH TRANH 

"Năng suất lao động quyết định năng lực cạnh tranh cũng như tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, cần một cuộc cách mạng về tăng năng suất lao động mạnh hơn nữa chứ không phải là một phong trào. Cần thay đổi tư duy về năng suất lao động, từ cấp Trung ương đến doanh nghiệp.

Khi nói nhiều đến năng suất, đưa ra giải pháp cho tăng năng suất lao động cần phân biệt rõ giữa năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, năng suất và tính bền vững của doanh nghiệp. 4 phạm trù này liên hệ hữu cơ với nhau.

ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Hiện nay, vấn đề hoạch định chính sách về năng suất lao động còn lẻ tẻ, nằm ở các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ. Chưa có một cơ quan cấp quốc gia chịu trách nhiệm tư vấn, tham mưu cho Chính phủ về tăng năng suất lao động. Nếu lập Hội đồng về năng suất lao động chỉ là một giải pháp, mà cần có cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề năng suất ở Việt Nam. Nếu muốn doanh nghiệp triển khai đầu tư vào năng suất một cách hiệu quả, cần có hệ sinh thái, có cơ quan có trách nhiệm tạo ra hệ sinh thái một cách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đó chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ. Doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, nên thời gian tới VCCI sẽ phối hợp với Viện Năng suất, các tổ chức năng suất nước ngoài để tổ chức tập huấn, chương trình tư vấn cho doanh nghiệp. Thời gian tới VCCI cần có dự án, chiến lược hợp tác dài hạn với JICA... nhằm đẩy mạnh vấn đề này. Năng suất lao động là chìa khoá của năng lực cạnh tranh. Không thể tăng năng suất bằng mọi giá mà cần hướng tới tăng năng suất xanh. Tháng 6 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành chiến lược tăng trưởng xanh tầm nhìn đến 2045. Trong đó nhấn mạnh tới vai trò của doanh nghiệp trong xanh hoá các ngành sản xuất và dịch vụ.