16:43 16/02/2024

Việt Nam có thêm 2 thành phố gia nhập Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu

Minh Hà

Để trở thành thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu”, các thành phố cần cam kết tạo điều kiện cho mọi người dân học tập suốt đời. UNESCO tiến hành xét duyệt hồ sơ hết sức chặt chẽ, bởi các chuyên gia độc lập hàng đầu về giáo dục, căn cứ trên 42 tiêu chí...

TP.HCM và TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) vừa được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu” - Ảnh Bộ Ngoại giao.
TP.HCM và TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) vừa được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu” - Ảnh Bộ Ngoại giao.

Ngày 14/2, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công bố danh sách 64 thành phố của 35 quốc gia được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”, trong đó có 2 thành phố của Việt Nam là TP.HCM và TP. Sơn La (tỉnh Sơn La).

Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO, cho biết đây là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực xuất sắc của hai thành phố trong quá trình thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân.  

Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cho rằng, đây là kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Thành quả này có được nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của UBND TP.HCM và UBND tỉnh Sơn La, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế và người dân địa phương.

Đến nay, Việt Nam có tổng số 5 thành phố được công nhận là thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu”. Năm 2020, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) đã được công nhận là thành viên Mạng lưới này và năm 2022, Việt Nam có thêm TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) được công nhận.

Được biết, để trở thành thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu”, các thành phố cần cam kết tạo điều kiện cho mọi người dân học tập suốt đời. UNESCO tiến hành xét duyệt hồ sơ hết sức chặt chẽ, bởi các chuyên gia độc lập hàng đầu về giáo dục, căn cứ trên 42 tiêu chí.

Tham gia “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu” sẽ giúp cho các thành phố và người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm tới 356 thành phố trên toàn thế giới. Các thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựng thành phố học tập, được ứng cử Giải thưởng Thành phố học tập của UNESCO.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về thành phố học tập được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là nơi tập hợp những điểm sáng trong hợp tác quốc tế, đoàn kết các thành phố ủng hộ các sáng kiến học tập suốt đời.

Cho tới nay, mạng lưới đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững trên khắp thế giới thông qua học tập suốt đời ở cấp địa phương. Mạng lưới hiện có 356 thành phố tại 79 quốc gia với hơn 390 triệu dân được hưởng lợi từ các cơ hội học tập suốt đời.