Việt Nam đã có hơn 42.000 tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân chuyển đổi số
Chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Theo đó sẽ phát triển tổ công nghệ số cộng đồng tới 100% địa phương (tới cấp thôn, bản, tổ dân phố)…
Để thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trên toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đã có 100% bộ, ngành, địa phương kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 100% bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số; 62/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án chuyển đổi số.
Đặc biệt, tính đến này 23/8/2022, đã có 49/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình tổ công nghệ số cộng đồng. Trên cả nước, đã có 42.469 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập với hơn 208 nghìn người tham gia ở cấp xã, thôn, phố.
Phát biểu tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 3/2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định năm 2022 là năm tổng tấn công về chuyển đổi số; các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành được Nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số. Từ Đảng đến chính quyền đã thông suốt, người dân tập trung sử dụng các nền tảng số có sẵn, còn các Tổ công nghệ số cộng đồng đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giúp người dân lên môi trường số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân chuyển đổi số, trong đó có sáng kiến thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng”, điển hình mô hình triển khai thành công của Lạng Sơn khi đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, 200/200 xã với hơn 1.700 Tổ và 7.887 thành viên tham gia.
Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Trên thực tế triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành một số văn bản triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, tổ chức các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng tập huấn, tuyên truyền, xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu phổ cập kỹ năng và tổ chức các khóa học trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà để Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai tại các địa phương.
Trước đó, Cục Chuyển đổi số quốc gia đã thành lập 6 nhóm Zalo để hằng ngày đôn đốc, giải đáp khó khăn, vướng mắc và chia sẻ các địa phương làm tốt về công tác triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng đầu mối các địa phương của Sở Thông tin và Truyền thông. Đầu mối các địa phương sẽ lan tỏa và truyền tải đến các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cùng phổ biến, tập huấn các tải liệu được Bộ hướng dẫn.
Tài liệu tập huấn tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện 5 nhiệm vụ: "Đi từng ngõ gõ từng nhà" hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến; sử dụng kỹ năng bảo đảm an toàn ở mức cơ bản để người dân khi lên mạng không bị lừa đảo; sử dụng nền tảng do các địa phương lựa chọn như đặt vé xe, đọc sách trực tuyến… Những người tham gia tổ công nghệ số cộng đồng sẽ phổ biến kỹ năng số đến người dân, qua đó góp phần tích cực cho mục tiêu kinh tế số và xã hội số.