23:18 13/06/2008

“Việt Nam đã mất đi một nhà kiến thiết của sự nghiệp đổi mới”

Kiều Oanh

Báo chí thế giới nhận định về vai trò của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong công cuộc phát triển của Việt Nam

Phong thái cởi mở và thân thiện của ông Võ Văn Kiệt đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Phong thái cởi mở và thân thiện của ông Võ Văn Kiệt đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Một loạt hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đưa tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần, đồng thời bày tỏ sự ca ngợi đối với vai trò của ông trong sự lớn mạnh của Việt Nam về kinh tế và chính trị trên trường quốc tế.

>>Tiễn biệt đồng chí Võ Văn Kiệt / “Suốt đời vì một chữ Dân”

Hãng tin ABC của Australia viết: “Người mở cửa nền kinh tế Việt Nam ra với thế giới vào những năm 1990 đã qua đời”. Hãng tin BBC của Anh thông báo: “Ông Võ Văn Kiệt, người đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đã từ trần ở tuổi 85”.

Tân Hoa Xã ngày 12/6 đưa tin Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước mất mát này.

“Là một động lực chính phía sau quá trình cải cách của Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường cho quá trình chuyển mình của đất nước này từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng”, ông Ban Ki-moon nhận định. Ông nói thêm: “Trong thời gian đương chức, ông Võ Văn Kiệt đã đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”.

Tờ Straits Times của Singapore ngày 11/6 đưa tin các nhà lãnh đạo nước này gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ Việt Nam và gia quyến ông Võ Văn Kiệt.

Trong điện chia buồn, Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong cho biết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người bạn của Singapore - người đã đặt nền móng cho mối quan hệ gần gũi giữa hai quốc gia.

Ông Lee Hsien Loong viết: “Dưới sự lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế ra với thế giới, đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư, và đạt được những tiến bộ lớn. Ông Kiệt đã đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam với khu vực và các đối tác bên ngoài khác. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến trong thời kỳ ông là Thủ tướng, đáng chú ý là việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 và tham gia vào quá trình thành lập Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) vào năm 1996, với tư cách một thành viên sáng lập”.

Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cũng miêu tả nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt như một nhà lãnh đạo có tài, thể hiện qua tầm nhìn và quyết tâm của nguyên Thủ tướng trong việc mở cửa nền kinh tế.

Cựu Thủ tướng Goh nói: “Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) mà tôi và ông Kiệt nhất trí thành lập vào năm 1991 là biểu hiện của mối quan hệ gần gũi giữa hai quốc gia. VSIP hiện đã bước vào giai đoạn thứ 3 và trở thành một cột mốc trong quan hệ song phương Việt Nam - Singapore”. Ông cho biết thêm: “Tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện cuối cùng giữa tôi và ông Kiệt khi tôi và vợ tới thăm Việt Nam vào tháng 1/2007. Tất cả mọi người sẽ nhớ đến ông”.

Ngày 11/6, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời. Thông cáo báo chí đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét nguyên Thủ tướng là người đã “cải thiện cuộc sống cho hàng chục triệu người Việt Nam”, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của ông trong quá trình cải thiện quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Đồng quan điểm với các hãng thông tấn khác, hãng tin AFP của Pháp nhận định, phong thái cởi mở và thân thiện của ông Võ Văn Kiệt đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Nhiều hãng thông tấn cũng nhắc đến việc sau khi thôi giữ cương vị Thủ tướng, ông vẫn tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự phát triển của đất nước.

Hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ dẫn lời ông Dominic Scriven, đồng sáng lập quỹ đầu tư Dragon Capital có trụ sở tại Tp.HCM nhận xét: “Ông Kiệt là một trong những nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ nhất và đáng kính nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hậu chiến tranh. Dù đã lâu không còn ở cương vị Thủ tướng, ông vẫn tiếp tục là một nhân vật quan trọng”.

AFP dẫn lời nhà ngoại giao Thụy Điển Marie-Louise Thaning nhận xét, ông Võ Văn Kiệt là một đại diện “giàu kinh nghiệm và cởi mở của các nhà lãnh đạo Việt Nam”.

Hãng tin Reuters của Mỹ trong bản tin ra ngày 11/6 nhận định, ông Võ Văn Kiệt là một động lực chính trong quá trình đổi mới của kinh tế Việt Nam, là người đi đầu trong việc mở cửa thị trường Việt Nam với bên ngoài. “Việt Nam đã mất đi một nhà kiến thiết của sự nghiệp đổi mới, một người luôn kêu gọi Chính phủ tiếp tục quá trình cải cách mà ông đã khởi xướng”, Reuters dẫn lời Carl Thayer, một nhà phân tích lâu năm chuyên nghiên cứu về kinh tế Việt Nam nhận xét.

Tờ Telegraph của Anh viết: “Việc ông Kiệt thử nghiệm khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân tại Sài Gòn đã góp phần thuyết phục Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng chính sách Đổi mới trên phạm vi toàn quốc vào năm 1986”.

“Trong thời kỳ ông Võ Văn Kiệt ở vị trí Thủ tướng từ năm 1991 đến 1997, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng cao. Cũng trong thời kỳ này, ông đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bình thường hóa và phát triển quan hệ chính trị - kinh tế với các quốc gia trên thế giới”, bài báo đăng trên tờ Telegraph có đoạn viết.

Bài báo nhấn mạnh việc năm 1994, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton đã ngừng chính sách cấm vận đối với Việt Nam, và một năm sau đó, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cũng trong năm 1995, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Hãng tin AP của Mỹ đánh giá, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và thế cô lập. “Ở cương vị Thủ tướng, ông đã đưa ra những chính sách giúp thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực thương mại và thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm trên 8%”.