Việt Nam đang đi đầu trong chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái
Tiến sĩ Fergus Sinclair, đồng chủ trì Agroecology TPP, khẳng định: "Việt Nam là một điểm hẹn lý tưởng cho các cuộc thảo luận về việc thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á"...

Cuộc họp thường niên Diễn đàn Đối tác chuyển đổi nông nghiệp sinh thái (Agroecology TPP) năm 2025 diễn ra từ ngày 31/3 đến 2/4/2025 tại Hà Nội, đã quy tụ khoảng 130 đại biểu tham gia, là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nông dân và những người thực hành từ quốc tế.
Sự kiện do Agroecology TPP phối hợp với Hiệp hội Nông dân châu Á vì Phát triển nông thôn bền vững (AFA) và Dự án Chuyển đổi Hệ thống nông nghiệp sinh thái và Hệ thống thực phẩm an toàn (ASSET) tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức tại Việt Nam, trong đó có Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Tiến sĩ Fergus Sinclair, đồng chủ trì Agroecology TPP, cho biết Agroecology TPP quy tụ một nhóm rộng rãi các nhà khoa học, những người thực hành và các nhà hoạch định chính sách cùng chung tay vì mục tiêu tăng tốc tiến trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái.
Kể từ khi chính thức ra mắt vào ngày 3/6/2021, Agroecology TPP đã bắt đầu giúp giải quyết những khoảng trống kiến thức ở tám lĩnh vực sẽ hỗ trợ nhiều tổ chức trong các quy trình ra quyết định quan trọng. Các cộng đồng trực tuyến của Diễn đàn mở cửa cho tất cả mọi người, cung cấp không gian cho các thành viên cùng tạo ra kiến thức, chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về các chủ đề khác nhau liên quan tới nông nghiệp sinh thái, xây dựng các mạng lưới hợp tác với các cộng đồng địa phương và các cơ sở nghiên cứu để thúc đẩy tiến bộ trong nông nghiệp sinh thái phục vụ cho quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

“Với sự ghi nhận đối với cam kết của mình về một nền nông nghiệp bền vững và đang đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái, cũng như khát vọng trở thành Trung tâm Đổi mới lương thực, thực phẩm của châu Á, Việt Nam là một điểm hẹn lý tưởng cho các cuộc thảo luận về việc thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á”, Tiến sĩ Fergus Sinclair chia sẻ.
"Chúng ta cần những giải pháp mang tính hệ thống như Nông nghiệp sinh thái và Nông lâm kết hợp để giải quyết các thách thức, đưa ra những phương án tương thích với những thách thức như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đứt gãy hệ thống lương thực thực phẩm cũng như xói mòn đất và ô nhiễm nguồn nước".
Tiến sĩ Fergus Sinclair, đồng chủ trì Agroecology TPP.
Sự kiện năm nay sẽ gồm một chuỗi các thảo luận cấp cao, các cuộc họp nhóm chuyên gia, cùng hai chuyến thăm thực địa vào thứ Tư, ngày 2/4/2025, mang đến cho các đại biểu cơ hội tham gia trực tiếp với các sáng kiến về nông nghiệp sinh thái cấp địa phương.
Phát biểu tại phiên khai mạc ngày 31/3, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), khẳng định: Thực phẩm là nhu cầu cơ bản của con người, giống như nước và không khí. Trong khi đó, ở khu vực ASEAN đang có nhiều thách thức liên quan trực tiếp đến thực phẩm như biến đổi khí hậu, cuộc sống người dân phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, cần tập trung vào tăng cường khả năng phục hồi cho ngành nông nghiệp.
"Nông nghiệp sinh thái sẽ giải quyết được những thách thức này. Ví dụ như tăng cường đa dạng sinh học, xây dựng hệ sinh thái bền vững, đảm bảo sinh kế và đóng góp vào quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, có trách nhiệm và bền vững", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng khẳng định: Việc áp dụng các nguyên tắc và thực hành nông nghiệp sinh thái sẽ mang lại lợi ích to lớn trong việc duy trì các hệ thống lương thực lành mạnh, năng suất cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, ông Tuấn cho rằng nông nghiệp sinh thái là giải pháp rất quan trọng, mang lại nhiều cơ hội. Điển hình như đảm bảo cân bằng giữa năng suất và bảo vệ môi trường, đem lại cơ hội ứng dụng công nghệ cao như IOT, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa để nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu tác động tiêu cực. Bên cạnh đó là cơ hội tập trung vào các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, không chỉ nâng cao sức cạnh tranh mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế.