23:24 22/08/2024

Việt Nam đóng góp hướng đến một khu vực châu Á không phát thải

Ngọc Lan

Hội nghị Bộ trưởng Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) lần thứ 2 đã được diễn ra tại Jakarta (Indonesia) với sự tham dự của một số Bộ trưởng và đại diện từ 11 nước thành viên AZEC, trong đó có Việt Nam...

Lễ ra mắt trung tâm không phát thải châu Á. Ảnh: VNA.
Lễ ra mắt trung tâm không phát thải châu Á. Ảnh: VNA.

Hội nghị nhằm thảo luận những nỗ lực của các quốc gia trong việc theo đuổi các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Thành viên AZEC gồm các nước: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Lào, Brunei và Australia và Nhật Bản.

NỖ LỰC THEO ĐUỔI CÁC MỤC TIÊU PHÁT THẢI RÒNG BẰNG KHÔNG CỦA CÁC QUỐC GIA

Tại Hội nghị, các bộ trưởng năng lượng và công nghiệp từ các nước Đông Nam Á và các nước ở khu vực lân cận đã nhất trí thúc đẩy các sáng kiến nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.

11 quốc gia đối tác thừa nhận nhu cầu cấp thiết phải giảm phát thải khí nhà kính, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt được mục tiêu này, có xét đến hoàn cảnh khác nhau của mỗi quốc gia.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa các nước thành viên AZEC để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

Đến nay đã có 350 dự án khử cacbon và 100 Biên bản ghi nhớ đã được triển khai. Trong khuôn khổ Hội nghị này có thêm 70 Biên bản ghi nhớ mới được ký kết.

Tại khuôn khổ hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ra mắt Trung tâm không phát thải châu Á, như là minh chứng mạnh mẽ cho những nỗ lực ASEAN, cùng nhau xây dựng tính bền vững, kiên cường trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu là một thực tế cấp bách đòi hỏi hành động ngay lập tức và quyết đoán từ tất cả các quốc gia thì đây là cột mốc quan trọng thúc đẩy nỗ lực hợp tác từ những quốc gia thành viên phấn đấu vì một tương lai bền vững hơn.

Với sự tham gia của các chính phủ, ngành công nghiệp, các nhà lãnh đạo và chuyên gia, Trung tâm sẽ đóng vai trò là nền tảng để chia sẻ thông tin nghiên cứu về các chính sách và dự án, tác động đến các quốc gia đối tác giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả bền vững trên tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế.

Cùng với việc ra mắt Trung tâm không phát thải châu Á, hội nghị AZEC lần thứ 2 cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng như Tuyên bố chung của Bộ trưởng AZEC lần thứ 2, công bố Biên bản ghi nhớ (MOU) cho dự án AZEC mới và tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp AZEC.

Ông Kento Saito, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết: "Tuyên bố chung tại cuộc họp khẳng định 2 nguyên tắc của AZEC, có thể đạt được mục tiêu chung là phát thải ròng bằng 0 thông qua nhiều con đường khác nhau và đạt được mục tiêu phi carbon hóa, tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng cùng một lúc. Nhật Bản cũng đã đưa ra các sáng kiến đính kèm Tuyên bố chung, tập trung vào 3 sáng kiến mới để thúc đẩy phi carbon hóa trong các lĩnh vực vận tải, điện và công nghiệp.

Trung tâm phát thải bằng không của Châu Á được kích hoạt sẽ đóng vai trò là động lực trí tuệ của AZEC, thông qua việc xây dựng lộ trình phi carbon hóa và đưa ra các khuyến nghị về chính sách.

"Diễn đàn này là cơ hội tốt tìm ra đối tác tốt để các bên cùng nhau hợp tác nhằm đạt được mục tiêu phi carbon hóa trong khu vực châu Á. Có rất nhiều công ty tư nhân không có đủ khả năng về tài chính hoặc tiếp cận nguồn tài chính từ chính phủ. Vì vậy, diễn đàn này cung cấp khả năng tiếp cận trong các tình huống như vậy để tạo nên kết quả của sự hợp tác", ông Hiroki Sekine - Giám đốc điều hành, Trưởng nhóm Tài chính Cơ sở hạ tầng và Môi trường Toàn cầu, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) nói.

ĐÓNG GÓP CỦA VIỆT NAM HƯỚNG ĐẾN MỘT KHU VỰC CHÂU Á KHÔNG PHÁT THẢI 

Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á là một phần trong sáng kiến giảm phát thải do Thủ tướng Nhật Bản khởi xướng lần đầu tiên tại COP 26 tại Glassgow và chính thức ra mắt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào năm 2022.

Các nước thành viên AZEC cũng bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Lào, Brunei và Australia. 

Việt Nam - một thành viên của AZEC - thời gian qua đã nỗ lực thực hiện một cách liên tục và mạnh mẽ để thúc đẩy các mục tiêu về phát thải ròng. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên môi trường, cho biết Việt Nam cũng có những đóng góp tại Hội nghị lần này cũng như có những nỗ lực hướng tới Cộng đồng châu Á không phát thải.

"Việt Nam với tư cách là một thành viên AZEC đã cùng các nước thành viên khác thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng tại hội nghị, chương trình, kế hoạch hoạt động của AZEC trong thời gian tới," ông Tấn cho biết. "Đây là những nội dung quan trọng giúp Việt Nam cũng như các nước thành viên AZEC tiến tới phát triển phát thải dòng bằng 0 trong tương lai."

Trong hơn một năm qua kể từ hội nghị lần thứ nhất cấp Bộ trưởng AZEC, cho đến nay Việt Nam cùng với phía đối tác Nhật Bản đã xác định được trên 80 dự án có thể thực hiện trong khuôn khổ AZEC.

Những dự án này đã và đang được triển khai ở những mức độ khác nhau. Trong thời gian tới phía doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp các nước tham gia AZEC sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam, cùng với các đối tác triển khai thực hiện các dự án. Ngoài 80 dự án này, một loạt các dự án khác cũng sẽ  được triển khai thực hiện trong thời gian tới" - Ông Phạm Văn Tấn cho hay. 

Sau Hội nghị COP26 tại Glassgow, khi Thủ tướng Chính phủ công bố Việt Nam sẽ hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 bằng nguồn lực của mình và hỗ trợ của quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Cùng với việc Ban chỉ đạo đã làm được trong thời gian qua, Việt Nam  đã cùng với các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP tháng 12/2022 tại Brussels (Bỉ). Ngay sau đó, Việt Nam cũng đã xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực (RMP)  để triển khai thực hiện JETP.

Có thể thấy, cộng đồng phát triển phát thải ròng bằng không của Châu Á là một nỗ lực mới hướng tới giảm phát thải, hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu của Việt Nam với những cái điều kiện phù hợp hơn.