Việt Nam - Indonesia thống nhất mở rộng hợp tác nhiều lĩnh vực
Việt Nam và Indonesia thống nhất làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, đưa hợp tác lên tầm cao mới và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân
Việt Nam - Indonesia cần tạo đột phá, đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của đối tác chiến lược, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 10 tỷ USD.
Thông điệp trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đưa ra tại cuộc hành hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo nhân chuyến thăm quốc gia này, ngày 12/10.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo trao đổi ý kiến sâu rộng về những phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, đưa hợp tác lên tầm cao mới và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa thuộc thế mạnh của mỗi nước tiếp cận thị trường, hạn chế áp dụng rào cản kỹ thuật, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hợp tác chặt chẽ trong kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, và kiểm dịch.
Hai bên nêu rõ tầm quan trọng của việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, tạo các cơ chế đối thoại doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - chính phủ để kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Tổng thống Widodo thông báo đã giao Bộ Công nghiệp Indonesia chủ trì giải quyết các vấn đề liên quan đến nhập khẩu mặt hàng ti vi, điện thoại di động của Việt Nam vào Indonesia.
Hai bên nhất trí rà soát Hiệp định năm 1990 về hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật, xem xét Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và kỹ thuật (JTEC) để trở thành cơ chế đi đầu trong thúc đẩy hợp tác kinh tế hai bên.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, sở hữu trí tuệ, công nghệ mới, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh, logistics, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp… nhằm tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó cần tăng cường hơn nữa hợp tác biển, nhất trí giao cơ quan chức năng của hai nước nghiên cứu sớm thành lập cơ chế hợp tác biển để thảo luận về các nội dung hợp tác liên quan, đặc biệt là hợp tác nghề cá, chế biến thủy sản, và xây dựng một khuôn khổ thuận lợi cho ngư dân hai nước hoạt động đánh bắt hải sản an toàn, bền vững và hợp pháp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ Indonesia đã cho hồi hương 177 ngư dân Việt Nam; đề nghị hai bên thường xuyên trao đổi thông tin và xử lý ngư dân, tàu cá trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Hai bên nhất trí thúc đẩy thiết lập đường dây nóng về đánh bắt cá và các vấn đề trên biển, giao Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan phối hợp triển khai, đồng thời tích cực phối hợp triển khai Thông cáo chung về hợp tác quốc tế tình nguyện chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không giấy phép và không khai báo (IUU) vừa ký kết tháng 9/2018.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến triển trong tiến trình phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau 11 vòng đàm phán, nhất trí thúc đẩy sớm đạt được giải pháp phù hợp với cả hai nước và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Lãnh đạo hai nước ghi nhận những bước tiến mới trong hợp tác nông nghiệp, giáo dục đào tạo, kết nối, nhất trí cần mở rộng hơn nữa trong các lĩnh vực giàu tiềm năng này thông qua các hình thức phong phú như đào tạo kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, tăng cường hợp tác du lịch, nghiên cứu mở đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn, thành phố du lịch hai nước.
Hai bên khẳng định hợp tác chặt chẽ, cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và phát triển bao trùm, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, chủ động tham gia vào quá trình định hình các sáng kiến hợp tác khu vực. Tổng thống Widodo cam kết hợp tác chặt chẽ và ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Việt Nam - Indonesia cũng khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bên liên quan khác đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.