07:24 23/03/2021

Việt Nam không có chủ trương để doanh nghiệp tự nhập khẩu vaccine Covid-19

Tiến Dũng

Với những vaccine được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam, chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vaccine mới được nhập khẩu và việc tiêm chủng phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì chiều 22/3, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về tình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vaccine Covid-19 trên thế giới và của Việt Nam đến thời điểm hiện tại.

KHÔNG CÓ CHỦ TRƯƠNG ĐỂ DOANH NGHIỆP NHẬP KHẨU VACCINE

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng các công ty được nhập vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam để tiêm. Đề cập tới vấn đề này tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang khẳng định Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng Covid-19. 

Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 để tiêm.

Hiện nay, các công ty sản xuất vaccine phòng Covid-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế. Những vaccine được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam, chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vaccine mới được nhập khẩu, nhưng việc tiêm vaccine hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế. 

Việc này được thực hiện đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu. Và việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.

Ngoài các loại vaccine nhập khẩu, theo báo cáo của ông Nguyễn Ngô Quang, thời gian qua, đã có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19. 

Trong đó, vaccine NanoCovax của công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021.

CUỐI QUÝ 3 VIỆT NAM CÓ VACCINE ĐẦU TIÊN

Các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học khẳng định Việt Nam đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vaccine. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt để thực hiện so sánh với các vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, thì hoàn toàn có lòng tin thời gian tới Việt Nam sẽ có vaccine riêng.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) khẳng định trong công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine, lực lượng quân đội phối hợp chắc chẽ với các đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 triển khai các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

"Hy vọng vào cuối quý 3/2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước", ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa các đơn vị khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 ở nước ngoài.

Các chuyên gia, nhà khoa học cho biết tình hình hiện đã khác so với đánh giá hồi năm 2020. Các nước đã bắt đầu tiêm vaccine, có loại được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, có loại từng nước cấp phép, có loại thực chất là thử nghiệm giai đoạn 3 trên diện rộng. 

Vì thế, các nhà khoa học cho biết WHO đang thảo luận và dự kiến tới đây sẽ có hướng dẫn chính thức về thử nghiệm vaccine trên nguyên tắc so sánh với các vaccine đã được cấp phép để sử dụng chính thức. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 của Việt Nam.

Đại diện Bộ Y tế lý giải thêm khi Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine Astrazeneca, tại một số nước trên thế giới nghi ngại phản ứng phụ nên đã tạm dừng hoặc làm chậm quá trình tiêm vaccine này. 

Tuy nhiên, ngay từ đầu, Việt Nam đã triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn, kết hợp theo dõi thông tin tiêm chủng trên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đồng thời là bước chuẩn bị cấp "giấy thông hành vaccine". Vì vậy, việc nghiên cứu, so sánh vaccine của Việt Nam và vaccine Astrazeneca càng thuận lợi hơn.

Việt Nam không có chủ trương để doanh nghiệp tự nhập khẩu vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine thời gian qua nhưng cần tiếp tục khẩn trương hơn nữa.

"Theo các chuyên gia, nhà khoa học, virus SARS-CoV-2 có thể có những biến đổi, tiếp tục tồn tại một số năm nữa. Cho đến giờ phút này nhiều khả năng các vaccine phòng Covid-19 đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.