Việt Nam lần đầu lọt Top 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có chỉ số Tự do kinh tế cao nhất thế giới
Báo cáo thường niên 2024: Tự do kinh tế thế giới vừa được công bố cho thấy Việt Nam lần đầu tiên lọt Top 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có chỉ số Tự do kinh tế cao nhất thế giới với thứ hạng 99…
Ngày 16/10, Viện Fraser (Canada) công bố Báo cáo thường niên 2024: Tự do kinh tế thế giới. Báo cáo năm 2024 công bố chỉ số Tự do kinh tế thế giới năm 2022 của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, là năm mà Báo cáo có đủ dữ liệu mới nhất cho các quốc gia.
Trong báo cáo này, thứ hạng của Việt Nam tăng từ vị trí 123 lên 99/165. Điểm số và thứ hạng của Việt Nam cải thiện trong 3 năm, 2020-2022, là quãng thời gian cả thế giới phải chống chọi với Đại dịch Covid-19. Để phòng chống dịch, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đáng kể đến quyền tự do kinh tế của người dân, dẫn đến điểm số tự do kinh tế trung bình của toàn thế giới đã suy giảm mạnh, từ 6,8 điểm năm 2019 xuống còn 6,56 điểm năm 2022.
“Những ghi nhận về điểm số và thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số Tự do kinh tế thế giới phản ánh Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế kịp thời thân thiện với thị trường để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19”, báo cáo ghi nhận.
NHIỀU CHỈ SỐ THÀNH PHẦN CẢI THIỆN
Xét về các chỉ số thành phần, Quy mô chính phủ là lĩnh vực có điểm số và thứ hạng suy giảm nhiều nhất so với năm trước. Cụ thể, năm 2022, điểm số của lĩnh vực này là 6,28 giảm từ mức điểm 6,51 của năm 2021, dẫn đến thứ hạng giảm từ 87 xuống 106. Nguyên nhân chính dẫn đến điểm số và thứ hạng giảm ở lĩnh vực này là Mức thuế thu nhập và lương bổng cận biên cũng như tỷ lệ sở hữu tài sản nhà nước của Việt Nam còn quá cao, không có sự cải thiện so với các quốc gia khác trên thế giới.
Lĩnh vực Hệ thống pháp lý và quyền tài sản không có sự thay đổi về điểm số so với năm trước (5,15), dẫn đến thứ hạng sụt giảm 1 bậc, từ 77 xuống 78 so với năm trước. Nguyên nhân khiến cho điểm số của Lĩnh vực này còn thấp chủ yếu đến từ điểm số liên quan đến các tiêu chí Tư pháp độc lập, Toà án công bằng và Thực thi hợp đồng còn thấp.
Lĩnh vực Đồng tiền vững mạnh đã có sự cải thiện đôi chút về điểm số (tăng từ 6, 95 lên 6,98) nhưng cũng đủ để giúp thứ hạng tăng mạnh từ 116 lên 105. Kiểm soát tăng trưởng cung tiền và lạm phát tiếp tục là điểm sáng ở Lĩnh vực này. Trong khi đó, tiểu thành phần Tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn chưa được khắc phục khiến cho Việt Nam vẫn nhận 0 điểm ở tiểu thành phần này.
Ở lĩnh vực Tự do thương mại quốc tế, điểm số của Việt Nam đã tăng từ 6,43 điểm lên 6,57 điểm từ năm 2021 đến năm 2022. Tuy thế, thứ hạng ở Lĩnh vực này lại giảm từ 101 xuống 113. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đạt kết quả tốt ở các tiểu thành phần liên quan đến mức thuế quan và tỷ giá chợ đen, và đã được ghi nhận có sự cải thiện về Rào cản pháp lý trong thương mại quốc tế. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục nhận đánh giá thấp về Độ mở thị trường tài chính, rất thấp đối với Kiểm soát vốn và Tự do cho người nước ngoài đến thăm.
Trong lĩnh vực cuối cùng, Quy định, Việt Nam tiếp tục ghi nhận những cải thiện về điểm số, từ 6,16 điểm năm 2021 lên 6,20 điểm năm 2022, giúp cho thứ hạng của Việt Nam tăng từ 103 lên 99 trong cùng thời kỳ. Trong Lĩnh vực này, đánh giá tích cực được ghi nhận đối với tiểu thành phần Kiểm soát tín dụng, nhưng tiêu cực với các tiểu thành phần Quy định kinh doanh.
NHỮNG GỢI Ý CHÍNH SÁCH
Quan sát điểm số và thứ hạng của chỉ số Tự do kinh tế thế giới của Việt Nam từ năm 2000 đến nay, TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho biết năm 2011 là năm đánh dấu sự chuyển mình của Việt Nam về tư duy điều hành kinh tế thông qua các chương trình tái cơ cấu kinh tế sâu rộng. Từ đó tới nay, thứ hạng của Việt Nam đã cải thiện liên tục từ 141/165 lên 99/165.
Tuy giai đoạn 2019-2022, thứ hạng của Việt Nam tăng đáng kể nhưng điểm số lại tăng khá chậm. Điều này, đặt ra những thách thức đối với Việt Nam trong những năm tới nhằm tạo đà bước vào “kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam ở thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045.
Theo đó, ông Minh cho rằng Việt Nam cần tập trung vào 7 vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất, ổn định vĩ mô luôn là ưu tiên hàng đầu.
Thứ hai, cắt giảm chi tiêu chính phủ, tạo dư địa giảm thuế và giảm nợ công nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, qua đó tạo ra nguồn thu bền vững cho ngân sách chính phủ. Đặc biệt, Chính phủ phải kiên trì chính sách coi vốn đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Thứ ba, mở rộng thương mại quốc tế và dỡ bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan không cần thiết để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các hiệp định thương mại quốc tế.
Thứ tư, mở cửa hơn nữa thị trường vốn, giao dịch ngoại tế cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ…
Thứ năm, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và mạnh dạn rút khỏi những ngành nghề mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã có đủ năng lực cung ứng hàng hóa và dịch vụ.
Thứ sáu, nhanh chóng điều chỉnh lại các mức thuế thu nhập cũng như nghiên cứu thay đổi chính sách đóng bảo hiểm xã hội theo hướng thị trường để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Và cuối cùng, đẩy mạnh hệ thống tư pháp theo hướng độc lập hơn, liêm chính hơn và công bằng hơn.