08:55 20/12/2007

Việt Nam một năm “hậu” WTO

Nam Dương

Việt Nam đã đạt được gì sau một năm gia nhập WTO? Việt Nam đã làm gì để có được kết quả như hôm nay?

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 20% trong năm đầu vào WTO.
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 20% trong năm đầu vào WTO.
Việt Nam đã đạt được gì sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)? Việt Nam đã làm gì để có được kết quả như hôm nay?

Câu trả lời cho những vấn đề này chính là nội dung cuộc hội thảo: “Việt Nam sau một năm gia nhập WTO”, tổ chức hôm 17/12 tại Tp.HCM.

Hội thảo do Viện Kinh tế Tp.HCM và báo Doanh nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức đã thu hút các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM cùng chia sẻ những thành tựu cũng như thách thức của một năm qua.

Đạt được những mục tiêu chủ yếu

Nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, ông Lương Văn Tự, cho biết: Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển của mình trong năm qua sau khi trở thành thành viên của WTO. Đó là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục 8,5%, kèm theo đó là cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới nhiều hơn khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 48 tỷ USD cuối năm nay.

Điều mà nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh là bên cạnh những kết quả trên là sự thay đổi của môi trường pháp lý của Việt Nam. Khoảng 30 luật và pháp lệnh đã được sửa đổi cho phù hợp với các nguyên tắc và qui định của WTO và đó là nền tảng để thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng qua một năm tham gia WTO, Việt Nam đã bước thêm một bước vào nền kinh tế thế giới, khẳng định sự hấp dẫn của mình đối với thế giới và đặc biệt là tạo lòng tin từ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Nguồn vốn FDI năm nay sẽ đạt con số kỷ lục, có thể lên đến 18-19 tỷ USD. Dù là cam kết đầu tư nhưng điều này cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng những kết quả này không bằng của Trung Quốc trong năm đầu tiên trở thành thành viên của WTO về thu hút FDI và tăng trưởng xuất khẩu. Ví dụ như tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm đầu tiên đã tăng 35% trong khi của Việt Nam chỉ đạt 20%.

Liên quan đến con số lạm phát của Việt Nam (trên 10% năm 2007), các chuyên gia cho rằng đó là do tác động của WTO. Theo ông Doanh, mức độ lạm phát của Việt Nam rất cao nếu so sánh với Trung Quốc (chỉ 7,5%) trong năm đầu tiên tham gia vào WTO, và tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Đài Loan hay Singapore chỉ khoảng 3-4%.

Đánh giá tổng thể cả nền kinh tế, ông Doanh cho rằng WTO đã thực sự tác động nền kinh tế Việt Nam, vì theo ông những kết quả mà Việt Nam đạt được trong vòng một năm qua có đến 70-80% là do tác động từ WTO.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Bửu Sơn, một chuyên gia kinh tế khác ở phía Nam, lại không cho rằng WTO đã thực sự tác động lên nền kinh tế Việt Nam. Hay nói cách khác những gì xảy ra cho nền kinh tế Việt Nam như tăng trưởng GDP, xuất khẩu, FDI... là do một chuỗi tác động từ những năm trước, trong đó có sự chuẩn bị của nền kinh tế, những nỗ lực của Chính phủ, sự nhanh nhạy của doanh nghiệp...

Ông đưa ví dụ tăng trưởng xuất khẩu 20% trong năm nay thì tác động của WTO chỉ có khoảng 5-10%. Hoặc dòng FDI nhiều chỉ do yếu tố tâm lý là chính.

Những thách thức lớn phải vượt qua

Nông nghiệp và đời sống của người nông dân được lo ngại hơn cả bởi những “cơn bão” WTO. Song các chuyên gia kinh tế không nhận thấy những tác động tiêu cực cho khu vực này như nhiều người đã dự đoán. Thay vào đó cơ hội cải thiện đời sống nông dân đã diễn ra nhờ cơ hội xuất khẩu nông sản nhiều hơn.

WTO đang đặt ra nhiều bài toán cho nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước, khi những cam kết đầu tiên của Việt Nam bắt đầu và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Ông Doanh nói rằng dòng FDI tuy có cao, nhưng với cơ sở hạ tầng hiện tại thì việc thực hiện của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sẽ trở nên khó khăn và việc thu hút FDI cao sẽ không được xem là thành quả đáng nói của việc gia nhập WTO của Việt Nam.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM nhận xét: ngoài chuyện cơ sở hạ tầng bao gồm cả cầu, đường, bến cảng, điện nước..., WTO còn thách thức doanh nghiệp với sức ép của lao động. Thiếu lao động - chuyện của “tiền WTO” và cả “hậu WTO” - cùng với nạn lạm phát đang làm “đau đầu” các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Ông Kiệt tính toán, một đơn vị trên 500 lao động sẽ phải chi ra thêm 1,8 tỷ đồng vào năm sau để có duy trì lực lượng lao động cần thiết cho nhà máy của mình bởi sự cạnh tranh của những doanh nghiệp khác mới thành lập và cả bởi sự mất giá của đồng tiền.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng giám đốc Saigon Co-Op, lại tỏ ra lo lắng về cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ vì WTO đang kéo căng vấn đề nóng bỏng này khi cuộc chạy đua của những nhà bán lẻ diễn ra ngày một nhanh hơn và gay gắt hơn trước khi thời điểm 2009, thời điểm tự do bán lẻ bắt đầu.

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng để có được những kết quả tích cực trong năm thứ hai, ba... của WTO, khi mà cánh cửa nền kinh tế tiếp tục được mở rộng hơn nữa, thì cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp đều phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều.