Việt Nam nên học Nhật Bản và Hàn Quốc, "hợp lực các hãng tàu container" để cạnh tranh quốc tế
Đây là ý kiến của ông Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tại phiên thảo luận chuyên đề "Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới" trong khuôn khổ diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 chiều 26/11...
Theo ông Quỳ, Việt Nam hiện có khoảng 11 hãng vận tải container nội địa với khoảng hơn 40 tàu có sức chở tương đương khoảng 44.500 TEU - chỉ tương đương 2 con tàu container cỡ lớn trên thế giới.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây trồng lại nên hòn núi cao. Hiện nay về ngành vận tải container của chúng ta đang cạnh tranh lẫn nhau, tức là các hãng vận tải cạnh tranh với nhau trên tuyến nội địa", Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết "Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Việt Nam muốn có cái đội tàu hùng cường thì phải hợp lực lại với nhau".
Ông Quỳ dẫn ví dụ Nhật Bản trước đây có ba hãng tàu container lớn là Kawasaki Kisen Kaisha, Ltd. (thường được gọi là ‘K’Line), Mitsui O.S.K. Lines Ltd. (MOL) và Nippon Yusen Kabushiki Kaisha (NYK) thuộc 3 liên minh khác nhau và cạnh tranh với nhau. Nhận thấy như vậy không ổn, Chính phủ Nhật Bản đã sáp nhập 3 công ty thành ONE LINE và là hãng tàu container quốc tế duy nhất. Trong khi đó, Hàn Quốc lập ra liên minh Korean Shipping Partnership (K-Alliance) với thành viên là hãng tàu container trong nước.
"Việt Nam chúng ta cũng nên học hỏi mô hình này", ông Quỳ nói.
Ông cho biết, Tân Cảng Sài Gòn đã làm việc với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và đã có một cam kết dự kiến triển khai vào cuối tháng 12 một chuyến tàu từ nội địa và sau đó phát triển dần lên quốc tế.
“Tôi cũng đã trao đổi với một số đồng chí lãnh đạo của Bộ Giao thông vận tải rằng phải bắt tay với nhau, chứ càng cạnh tranh càng không được ", ông phát biểu.
Theo ông, muốn đầu tư vào một con tàu container hoặc một tuyến vận tải container quốc tế không phải đơn giản. Hiện nay, để mở một chuyến tàu đi Mỹ, ví dụ từ Cái Mép hoặc Lạch Huyện đi thẳng sang bờ Tây Mỹ, cần ít nhất 6-8 con tàu. Trong khi đó, chi phí đóng mới một tàu container tải trọng 10.000 TEU là 60 triệu USD. Cùng với đó là cần khoảng 50.000 container cỡ 20 feet, giá khoảng 4.000 USD/container.
"Không có một công ty vận tải biển Việt Nam nào đủ sức để làm mở một tuyến vận tải như vậy. Bên cạnh đó, không ai dự báo được tình hình vận tải biển thế giới những năm sau sẽ như thế nào. Bởi vì vận tải biển khi lời thì lời rất là lớn mà khi lỗ thì cũng rất là kinh khủng". ông phân tích. "Chúng ta liên minh lại để không cạnh tranh với nhau mà cạnh tranh với quốc tế".
Bên cạnh đó, theo đại diện Tân Cảng Sài Gòn, ngoài sự hợp tác giữa các hãng tàu, cũng cần có cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành như ưu đãi thuế... Cùng với đó, Việt Nam cũng cần xây dựng một mạng lưới đại lý mạnh ở nước ngoài để cạnh tranh với các hãng tàu quốc tế.