"Thời của Ấn Độ đã tới"
Giới tài chính toàn cầu đang đặc biệt quan tâm tới quốc gia Nam Á mà Thủ tướng Narendra Modi tham vọng đưa trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025...
Ba thập kỷ qua, ông Peeyush Mittal thường lái xe gần 300 km từ thủ đô Ấn Độ đến thành phố Jaipur. Hành trình này mất khoảng 6 tiếng.
“30 năm qua, người ta hứa sẽ rút ngắn hành trình này còn 3 tiếng nhưng điều đó chưa thành hiện thực”, ông Mittal, quản lý danh mục tại quỹ đầu tư Matthews Asia có trụ sở ở San Francisco (Mỹ), cho biết. “Họ đã mở rộng đường cao tốc, nâng cấp từ 1 làn, lên 2 làn, rồi 3 lần. Mọi thứ đã hoàn tất nhưng hành trình đó vẫn luôn mất 6 tiếng đồng hồ”.
Cho đến năm ngoái, ông Mittal có thể lái xe 120 km/h trên con đường cao tốc mới nối hai thành phố và chỉ mất một nửa thời gian.
“Tôi đã rất bất ngờ khi lần đầu tiên đi trên cao tốc đó. Khi đó, tôi thốt lên trong đầu: 'Sao điều này có thể xảy ra ở Ấn Độ'”, ông kể lại.
Chất lượng của các cơ sở hạ tầng mới ở Ấn Độ chỉ là một trong nhiều lý do khiến ông Mittal, người đang quản lý đầu tư vào thị trường mới nổi, cũng như nhiều nhà đầu tư khác cảm thấy phấn khích về triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ.
NƠI NHÀ ĐẦU TƯ "KHÔNG THỂ LÀM NGƠ"
Theo hãng tin CNN, giới tài chính toàn cầu đang đặc biệt quan tâm tới quốc gia Nam Á mà Thủ tướng Narendra Modi tham vọng đưa trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Sự lạc quan dành cho quốc gia đông dân nhất thế giới ngược lại hoàn toàn với tâm lý bi quan ở Trung Quốc – nơi đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, trong đó có sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chứng kiến giai đoạn suy giảm kéo dài với hơn 5 nghìn tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi các sàn giao dịch. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc năm 2023 cũng giảm mạnh và tiếp tục giảm gần 12% trong tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Ấn Độ đang lập các kỷ lục mới. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp trên các sàn chứng khoán nước này đã vượt 4 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái. Con số này được dự báo sẽ tăng gấp hơn hai lần lên 10 nghìn tỷ USD vào năm 2030 – theo một báo cáo mới đây của Jefferies. Công ty dịch vụ tài chính này đánh giá thị trường chứng khoán Ấn Độ là “nơi các nhà đầu tư lớn toàn cầu không thể làm ngơ”.
“Trung Quốc đang bế tắc, vậy quốc gia nào có khả năng thay thế nước này? Không có nước nào giống Trung Quốc hơn Ấn Độ. Đây là điểm đến thay thế mà thế giới đang tìm kiếm để thúc đẩy đăng trưởng”, ông Mittal nhận định.
Trên thực tế, Nhật Bản cũng đang được hưởng lợi khi các nhà đầu quốc tế tìm kiếm một điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Tuần trước chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật lập kỷ lục mới lần đầu tiên sau 34 năm, nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tăng và đồng yên yếu. Tuy nhiên, khác với Ấn Độ, Nhật đang suy thoái và gần đây để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.
Tổ chức nghiên cứu và phân tích chỉ số chứng khoán toàn cầu Morgan Stanley Capital International (MSCI) đầu tháng này cho biết sẽ tăng tỷ trọng của Ấn Độ trong chỉ số MSCI các thị trường mới nổi từ 17,98% lên 18,06%, đồng thời giảm tỷ trọng của Trung Quốc xuống còn 24,77%. Các chỉ số MSCI là một cơ sở để các nhà đầu tư tổ chức trên thế giới ra quyết định phân bổ đầu tư và tập trung nghiên cứu.
Vài năm trước, tỷ trọng của Ấn Độ trong chỉ số MSCI các thị trường mới nổi là khoảng 7%”, ông Aditya Suresh, giám đốc nghiên cứu chứng khoán Ấn Độ tại công ty dịch vụ tài chính Macquarie Capital (Australia). “Tôi tin rằng tỷ trọng của Ấn Độ có thể tăng lên 25%”.
Trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang chuẩn bị cho tổng tuyển cử trong vài tháng tới, giới quan sát thị trường đang kỳ vọng đảng Bharatiya Janata của ông Modi chiến thắng và có nhiệm kỳ thứ ba. Điều này sẽ giúp chính sách kinh tế của Ấn Độ không có nhiều xáo trộn trong 5 năm tới.
“Nếu ông Modi tiếp tục nắm quyền, tôi tin chắc rằng các nhà đầu tư sẽ càng quan tâm hơn nữa tới Ấn Độ ”, ông Mittal nhận định.
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI CỦA THẾ GIỚI
Theo các nhà phân tích, có nhiều lý do để lạc quan về Ấn Độ. Từ dân số trẻ đang tăng trưởng nhanh cho tới ngành sản xuất mạnh, quốc gia Nam Á đang có nhiều lợi thế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, trong khi mức dự báo cho Trung Quốc là 4,6%. Còn các nhà phân tích tại Jefferies dự báo Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.
Giống như Trung Quốc hơn 3 thập kỷ trước, Ấn Độ mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi cơ sở hạ tầng với hàng tỷ USD được đầu tư xây dựng đường bộ, cảng, đường sắt và sân bay.
“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật lý và cơ sở hạ tầng số đang mang lại hiệu ứng mạnh mẽ cho nền kinh tế Ấn Độ”, ông Suresh nhận xét.
Là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Ấn Độ cũng đang cố gắng tận dụng cơ hội khi các công ty đa quốc gia tìm kiếm điểm đến mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc – nơi đối mặt nhiều rào cản trong đại dịch Covid-19 và đang đứng trước nhiều rủi ro do căng thẳng với Mỹ.
“Ấn Độ là một ứng viên hàng đầu hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là khỏi Trung Quốc, của các công ty đa quốc gia”, ông Hubert de Barochez, nhà kinh tế tại Capital Economics nhận định hồi tháng 1.
Một số công ty lớn nhất thế giới, bao gồm nhà thầu sản xuất Foxconn của Apple, đang mở rộng hoạt động ở Ấn Độ. Ông Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, cũng cho biết đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Ấn Độ sớm nhất có thể.
“Ông Modi thực sự quan tâm tới phát triển kinh tế bởi ông ấy thúc đẩy chúng tôi đầu tư mạnh vào Ấn Độ - điều mà chúng tôi cũng đang định làm”, ông Musk nói với truyền thông Mỹ vào tháng 6 năm ngoái.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu tăng quá cao ở Ấn Độ đang khiến một số nhà đầu tư quốc tế lo ngại. Theo ông Suresh, cổ phiếu Ấn Độ luôn đắt hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác nhưng giờ đây sự chênh lệch này càng lớn.
Các nhà đầu tư trong nước, cả cá nhân lẫn tổ chức, dường như không mấy quan tâm tới điều này đó, tiếp tục đẩy thị trường chứng khoán lập các kỷ lục chưa từng thấy.
Theo Macquarie, chỉ riêng các nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện chiếm khoảng 9% tổng giá trị thị trường chứng khoán Ấn Độ, so với 20% của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia lo ngại rằng quốc gia Nam Á không đủ sức để hấp thụ hết dòng tiền dịch chuyển từ Trung Quốc – nền kinh tế có quy mô lớn gấp 5 lần so với Ấn Độ.
“Ở Trung Quốc có quá nhiều công ty có giá trị vốn hóa khoảng 100-200 tỷ USD hoặc hơn. Không dễ để tìm nơi để rót lượng vốn khổng lồ như vậy ở Ấn Độ”, ông Mittal nhận định.
Dù vậy, ông cho rằng kể cả khi Trung Quốc trở lại và giải quyết được các vấn đề nội tại, Ấn Độ vẫn có vị thế khác xưa. “Thời của Ấn Độ đã tới”, ông nói.