"Việt Nam rất quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong tại Myanmar"
Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar
Tình hình bạo lực leo thang tại Myanmar sau cuộc đảo chính của quân đội hôm 1/2 tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 11/3, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tiếp tục chia sẻ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.
"Có thể nói chúng tôi rất quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong tiếp tục gia tăng tại Myanmar trong những ngày gần đây. Việt Nam kêu gọi các bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết bất đồng, mong muốn Myanmar sớm ổn định vì lợi ích của người dân, vì hòa bình, ổn định của khu vực", Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.
"Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã nêu trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar ngày 1/2, cũng như tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về kết quả Hội nghị không chính thức của các Bộ trường Ngoại giao ASEAN ngày 2/3, trong đó nhấn mạnh việc tuân thủ hiến chương ASEAN; ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình tại Myanmar sớm trở lại bình thường, phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar, để xây dựng và phát triển đất được, vì hòa bình, ổn định và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ASEAN", bà Hằng nhấn mạnh.
Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN khác, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Việt Nam cũng đã yêu cầu Myanmar đảm bảo an toàn tính mạng cũng như lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Hiện tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đang theo dõi sát sao, thường xuyên liên hệ với cơ quan chức năng sở tại, đầu mối cộng đồng Việt Nam tại Myanmar để cập nhật thông tin, kịp thời đưa ra khuyến cáo với công dân, đồng thời sẵn sàng đưa ra biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam bị nạn ở Myanmar, công dân có thể liên hệ trực tiếp với hotline bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar hoặc thông qua tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao.
Trước đó, như VnEconomy đã thông tin, sáng ngày 1/2, quân đội Myanmar tiến hành cuộc đột kích, bắt giữ Cố vấn nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng nhiều quan chức chính phủ khác với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2020. Sau đó, quân đội nước tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một năm và cựu tướng Myint Swe sẽ là quyền tổng thống trong một năm tới. Biểu tình và bạo lực leo thang gần đây tại quốc gia này nhận được quan tâm lớn của dư luận trong khu vực và thế giới.