16:48 23/09/2021

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tham gia CPTPP với Trung Quốc

Nguyễn Tuyến

Đây là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại họp báo thường kỳ chiều ngày 23/9...

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh đây là hiệp định thương mại tự do mở, với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế - thương mại giữa các nước thành viên.

"Việc CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm và mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của hiệp định trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại khu vực và quốc tế", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Theo bà, các quy định về thủ tục liên quan của CPTPP yêu cầu các nền kinh tế muốn gia nhập phải đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới.

"Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia hiệp định này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Cũng tại họp báo, bình luận về việc Đài Loan (Trung Quốc) cũng xin gia nhập CPTPP, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do mở và Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác về các quy định tham gia hiệp định này.

CPTPP thiết lập các quy tắc về thương mại phi thuế quan, đầu tư, cũng như dòng chảy dữ liệu. Hiệp định này được ký kết vào tháng 3/2018 với 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. 

Trước đó, Nikkei Asia dẫn thông tin từ chính quyền Đài Loan ngày 22/9 cho biết Đài Loan đã gửi đơn xin gia nhập hiệp định cho New Zealand – quốc gia giữ vai trò lưu chiểu cho CPTPP. Chi tiết về đơn đăng ký của Đài Loan dự kiến được công bố vào ngày hôm nay (23/9). Động thái của Đài Loan diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc thông báo đã đăng ký tham gia CPTPP.

Phản ứng trước động thái của Đài Loan, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 23/9 cho biết Chính phủ Nhật xem việc đăng ký của Đài Loan, với sự đề cao các giá trị dân chủ và pháp quyền, như một bước phát triển tích cực. 

Phản ứng của Nhật Bản trái ngược với lập trường thận trọng khi đề cập đến việc Trung Quốc đăng ký gia nhập hiệp định vào tuần trước. Các quan chức hàng đầu của Nhật bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu Bắc Kinh có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không.

Cùng lập trường với Nhật, Mexico, tỏ ra thận trọng và nhấn mạnh thành viên mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định. Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP có thể ảnh hưởng tới cơ hội đưa Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Mexico - trở lại hiệp định. Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của CPTPP - vào năm 2017, dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Australia cũng tỏ ra dè dặt trước việc Trung Quốc đăng ký gia nhập CPTPP Trước đó, Bắc Kinh đã áp đặt hạn chế nhập khẩu với lúa mạch, rượu vang và than của Australia sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus SARS-nCoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết nước này sẽ phản đối Trung Quốc gia nhập hiệp định trừ khi mâu thuẫn thương mại giữa hai bên được giải quyết.

Trong khi đó, Singapore và Malaysia bày tỏ sự ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập hiệp định.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia ngày 21/9 cho biết "đặc biệt khuyến khích động thái gần đây" của Trung Quốc khi nộp đơn gia nhập CPTPP. Bộ này cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tham gia thỏa thuận “sớm nhất vào năm sau” và tin rằng quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Malaysia và Trung Quốc sẽ phát triển lên tầm cao mới.

Về phía Singapore, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến Singapore gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết ông hoan nghênh việc Trung Quốc xem xét gia nhập CPTPP.

Về phía Mỹ, trong cuộc họp báo ngày 16/9, khi được hỏi về việc Trung Quốc tham gia CPTPP, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang xem xét một loạt các lựa chọn để xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Thương mại không phải là cách duy nhất. Có nhiều cách để chúng tôi tạo ra quan hệ cũng như các mối quan hệ đối tác”, bà Psakia phát biểu nhưng không nêu rõ những cách đó cụ thể là gì.