14:42 09/05/2012

Việt Nam sắp phóng vệ tinh thứ hai: 10 năm mới có thể hồi vốn

Mạnh Chung

Ngày 16/5, vệ tinh Vinasat-2 sẽ được phóng lên quỹ đạo và dự kiến đầu quý 3/2012 sẽ chính thức được đưa vào khai thác

Họp báo công bố về sự kiện phóng vệ tinh Vinasat-2.
Họp báo công bố về sự kiện phóng vệ tinh Vinasat-2.
Vào lúc 5h13 ngày 16/5 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh Vinasat-2 sẽ được phóng lên quỹ đạo và dự kiến đầu quý 3/2012, Vinasat-2 sẽ chính thức được đưa vào khai thác.

Thông tin trên được lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - chủ đầu tư dự án Vinasat cho biết tại buổi họp báo công bố về sự kiện phóng vệ tinh Vinasat-2, sáng ngày 9/5.

Vệ tinh Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của vệ tinh này tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết, tổng vốn đầu tư của Vinasat-2 là khoảng từ 260 - 280 triệu USD (tương đương từ 5.300 - 5.800 tỷ đồng), hiện đã giải ngân hầu hết số tiền trên. VNPT sẽ bắt đầu khai thác vệ tinh Vinasat-2 khi nhà thầu đưa vệ tinh vào vị trí quỹ đạo và bàn giao cho VNPT.

Tuy nhiên, vấn đề được báo giới quan tâm là bài toán kinh doanh đối với dự án Vinasat-2 sẽ được VNPT triển khai như thế nào?

Năm 2012, doanh thu dự kiến của vệ tinh Vinasat-1 (đã phóng thành công tháng 4/2008 và hiện được khai thác với 90% dung lượng) là 250 tỷ đồng, nếu tính cả số băng tần sử dụng cho VNPT khoảng 30%, thì số doanh thu khoảng trên 300 tỷ đồng, trong khi vệ tinh này có vốn đầu tư tới 3.900 tỷ đồng. Vốn đầu tư của Vinasat-2 thì còn lớn hơn nhiều.

Theo thông tin từ ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT, đối với vốn đầu tư cho dự án Vinasat-2, VNPT chỉ có 20%, còn lại 80% vốn là đi vay, trong đó 60% là vốn vay thương mại.

Ông Hồ Công Lâm, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) thì cho biết, lĩnh vực vệ tinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay cạnh tranh hết sức gay gắt, vì thế VNPT sẽ phải xác định kinh doanh làm sao đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, VNPT sẽ ưu tiên khách hàng trong nước, sau đó, trong phạm vi vùng phủ sóng, sẽ mở rộng đối tượng khách hàng sang các nước lân cận và có nhiều biện pháp để mở rộng bán hàng, tăng cạnh tranh.

Theo ông Lâm, hiện tại VNPT đã có chương trình, kế hoạch, tiếp xúc với các khách hàng tiềm năng và các khách hàng cũ như VTV, VCTV, VTC…, ngoài ra cũng có những khách hàng ở lĩnh vực khác nhau như dầu khí, tài chính…. Đồng thời, VNPT cũng mở rộng khai thác vệ tinh Vinasat-2 sang thị trường Myanmar, Lào, Campuchia...

“Hiện có một số ngành, doanh nghiệp đang sử dụng vệ tinh nước ngoài cho hoạt động của họ. Vì thế, ngoài nỗ lực của VNPT, chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp trong nước dùng “hàng Việt Nam”. Chúng tôi sẽ đáp ứng tốt cả về chất lượng và giá cả để phục vụ khách hàng”, ông Lâm nói.

Theo ông Phan Hoàng Đức, các dự án Vinasat-1 và Vinasat-2 được thiết kế với tuổi thọ khoảng 15 năm, nên theo tính toán của VNPT, chỉ sau 10 năm là sẽ thu hồi được vốn đầu tư, những năm còn lại sẽ có lãi.

“Tuy nhiên, khi phóng vệ tinh Vinasat-2, cũng phải xác định đây là một hạ tầng, việc khai thác không chỉ đơn thuần là mục tiêu kinh doanh. Vinasat-2 còn đáp ứng các nhu cầu khác như phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đáp ứng những thông tin, phục vụ cho chống thiên tai, bảo đảm an toàn cứu nạn, cứu hộ… Đó là lợi ích mà Vinasat-2 đem lại”, ông Đức nói.