09:32 09/10/2021

Việt Nam tăng 2 bậc xếp hạng chỉ số phát triển bưu chính

Nhĩ Anh

Theo bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp về phát triển bưu chính thế giới năm 2021 (2IDP), Việt Nam đã tăng 2 bậc (xếp thứ 47/168) so với năm 2020 và là một trong 4 nước ASEAN lọt vào top 50...

Kỷ niệm Ngày Bưu chính Thế giới 2021
Kỷ niệm Ngày Bưu chính Thế giới 2021

Thông tin này được Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố tại Lễ Kỷ niệm Ngày Bưu chính Thế giới 2021 (9/10) với chủ đề “đổi mới để phục hồi”, được tổ chức trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên kênh UPUTV, đăng tải trên website (www.upu.int/uputv). 

2IPD là Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính do UPU đưa ra nhằm đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động bưu chính của các quốc gia. Chỉ số 2IPD cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển bưu chính trên toàn cầu. Việc tính toán 2IPD bắt nguồn từ tích hợp dữ liệu lớn bưu chính, số liệu thống kê và các cuộc khảo sát chính của UPU. Sự phong phú của quá trình hợp nhất dữ liệu làm cho 2IPD trở thành phép đo toàn diện nhất đối với các dịch vụ bưu chính trên quy mô toàn cầu.

Chỉ số này cung cấp điểm hiệu suất chuẩn (từ 0 đến 100) theo 4 khía cạnh của sự phát triển bưu chính: độ tin cậy, phạm vi tiếp cận, mức độ liên quan và khả năng phục hồi. Ngoài việc tiết lộ hiệu suất tương đối của các nhà khai thác bưu chính trên toàn thế giới, 2IPD làm sáng tỏ cách thúc đẩy sự phát triển bưu chính và tối đa hóa hiệu quả của cơ sở hạ tầng bưu chính. Điều này làm cho 2IPD trở thành một công cụ duy nhất cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các nhà khai thác bưu chính và các bên liên quan mong muốn hiểu vai trò của các dịch vụ bưu chính trong kỷ nguyên thương mại điện tử.

Bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp về phát triển bưu chính thế giới năm 2021 (2IDP)
Bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp về phát triển bưu chính thế giới năm 2021 (2IDP)

Với chủ đề “đổi mới để phục hồi”, tại Ngày Bưu chính thế giới năm nay, đại diện lãnh đạo ngành bưu chính các nước đã trao đổi về sự đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ vào hoạt động chuyển phát, thương mại điện tử, logistics, fintech; đồng thời, duy trì sự nỗ lực vượt bậc để giữ vững chuỗi hoạt động và cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng của mỗi nước thành viên. Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã khiến nhiều chuỗi nông sản bị đứt gãy. Bên cạnh linh hoạt triển khai các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn mạng lưới, Vietnam Post đã mở gian hàng cho hơn 80 ngàn hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, cung cấp hơn 70 tấn hàng hóa thiết yếu cho người dân tại hơn 3.000 điểm phục vụ và qua sàn; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, không chỉ đảm bảo cung cấp các dịch vụ Bưu chính công ích, Bưu chính truyền thống mà còn đưa ra nhiều giải pháp để duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá ngay cả tại các vùng cách ly, phong toả, thực hiện kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đảm bảo dòng chảy vật chất phục vụ nhu cầu người dân. Qua đó đã góp phần nâng cao vai trò của hoạt động bưu chính, khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực bưu chính toàn cầu và được Liên minh Bưu chính Thế giới đánh giá cao.

 
Thống kê, sản lượng và doanh thu dịch vụ bưu chính có tốc độ tăng trưởng nhanh qua các năm. Năm 2020 đạt khoảng 36.950 tỷ đồng (khoảng 1.600 triệu USD), đóng góp khoảng 0,8% vào GDP quốc gia. Đến hết năm 2020, thị trường bưu chính có hơn 570 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia.