09:10 07/06/2010

Việt Nam tiếp tục hấp dẫn giới đầu tư Nhật Bản

Dương Lâm

Giới đầu tư Nhật Bản cho rằng, những thuận lợi ở thị trường Việt Nam bao gồm tiềm năng tăng trưởng cao, nguồn nhân lực giá rẻ

58% số doanh nghiệp Nhật cho biết có dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
58% số doanh nghiệp Nhật cho biết có dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Các nền kinh tế đang lên như Việt Nam đang thu hút các nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản, tờ Financial Times cho biết.

Theo Financial Times dẫn đánh giá của hãng tài chính Nhật Bản Daiwa Securities, sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Nhật Bản là rõ ràng.

Không giống như Nhật Bản, nơi có nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp và dân số đang giảm bớt, Việt Nam là một quốc gia trẻ đang hấp dẫn nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Financial Times, vấn đề này còn là một dấu hiệu khác cho thấy sự quan tâm của giới đầu tư Nhật Bản đối với các thị trường mới nổi vẫn không hề giảm sút.

Vào tháng 12 năm ngoái, khi vẫn còn những lo ngại về kinh tế toàn cầu đối mặt với khủng hoảng kép, một cuộc khảo sát của ngân hàng HSBC đã cho thấy một lượng lớn các nhà đầu tư Nhật đã coi các thị trường mới nổi như là một điểm đến đầu tư.

Cuộc điều tra cho thấy, gần 60% các nhà đầu tư Nhật Bản lo ngại kinh tế toàn cầu có thể khủng hoảng trở lại, nhưng vẫn có tới 47% ý kiến tỏ ra quan tâm tới các thị trường đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Giới đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến nền kinh tế tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác vốn đang trong giai đoạn đầu phát triển và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh từ trung đến dài hạn, HSBC cho hay.

TTXVN dẫn báo cáo về môi trường kinh doanh tại Việt Nam của các nhà đầu tư Nhật Bản cho hay, 58% số doanh nghiệp Nhật cho biết có dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Giới đầu tư Nhật Bản cho rằng, những thuận lợi ở thị trường Việt Nam bao gồm tiềm năng tăng trưởng cao, nguồn nhân lực giá rẻ.

Tuy nhiên, đầu tư ở Việt Nam cũng không hề dễ dàng. Những khó khăn được nhắc nhiều nhất là điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục hành chính rườm rà và chính sách quản lý chưa thống nhất.