09:18 13/09/2016

Việt - Trung nhất trí gia tăng "tin cậy chính trị"

Bảo Quyên

Hai bên cùng kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh

Hai Thủ tướng duyệt đội danh dự của Trung Quốc chiều 12/9.<br>
Hai Thủ tướng duyệt đội danh dự của Trung Quốc chiều 12/9.<br>
Chiều 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường.

Trước đó, trong 2 ngày 11- 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số hoạt động tại tỉnh Quảng Tây và tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 13.

Tại lễ đón Thủ tướng Việt Nam tại Đại lễ đường Nhân dân, Trung Quốc đã tổ chức nghi lễ chào đón cao nhất đối với lãnh đạo Việt Nam, trong đó có bắn 19 phát đại bác chào mừng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới quốc gia này.

Kiểm soát và xử lý thoả đáng các bất đồng

Ngay sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Hai bên nhất trí cùng nhau gìn giữ và phát huy tình hữu nghị Việt – Trung, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Sau khi hai Thủ tướng thông báo cho nhau tình hình kinh tế - xã hội của mỗi nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa; ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng; chú trọng quan hệ với tất cả các nước lớn, các đối tác quan trọng; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và tham gia các cơ chế hợp tác của khu vực và thế giới, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc.

“Việc gìn giữ quan hệ hữu nghị truyền thống, phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vì lợi ích của hai dân tộc, của khu vực và quốc tế là chủ trương nhất quán, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Cũng tại buổi hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất các phương hướng và biện pháp lớn để đưa quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển trong thời gian tới, bao gồm duy trì trao đổi cấp cao, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa cơ quan Quốc hội, tổ chức đoàn thể và nhân dân hai nước; phát huy tốt vai trò các cơ chế hợp tác giữa hai Chính phủ, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương…

Cùng với đó phấn đấu đưa hợp tác thực chất giữa hai nước phát triển ổn định, cân bằng, bền vững; tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác địa phương và quản lý biên giới trên đất liền hai nước; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị APEC trong năm 2017; mời Thủ tướng Lý Khắc Cường sớm thăm lại Việt Nam; hoan nghênh Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang thăm Việt Nam trong năm 2016 và các đồng chí Lãnh đạo khác của Trung Quốc thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề tồn tại, bất cập trong một số lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước hiện nay; nhấn mạnh hai bên cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp tích cực trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại phát triển cân bằng, bền vững.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị Trung Quốc hợp tác, cùng triển khai các biện pháp thiết thực để từng bước cân bằng thương mại, tiếp tục tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có ưu thế, nhất là nông, lâm, thủy hải sản, trong đó có mặt hàng gạo, sớm cấp phép cho sản phẩm thịt, sữa và nước hoa quả chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy các dự  án hợp tác kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” với những nội dung phù hợp trong sáng kiến “một vành đai, một con đường” trên cơ sở đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu của cả hai bên.

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc điều tiết lưu lượng xả nước trên thượng nguồn sông Mê Kông vào mùa khô; sớm trao đổi việc tiếp tục sử dụng đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của các hoạt động nghề cá trên biển, phối hợp xử lý thỏa đáng vấn đề này; tăng cường trao đổi kinh nghiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện hiệu quả những thỏa thuận tại Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp khoa học và công nghệ Việt Nam - Trung Quốc; khẩn trương bàn bạc ký kết Hiệp định vận tải đường sắt mới, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác hàng không; tạo sự bình đẳng cho các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách của hai bên đi vào lãnh thổ của nhau; thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2016 - 2018, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm trật tự, an toàn du lịch.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng nhấn mạnh lập trường nhất quán, không thay đổi của Việt Nam là kiên trì giải quyết tranh chấp biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên biển vừa qua, đề nghị hai bên tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau phù hợp với Công ước Luật Biển 1982, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất; xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá; tiếp tục thúc đẩy hợp tác về tìm kiếm cứu nạn; cùng với các nước ASEAN thực hiện toàn diện và hiệu quả (DOC), sớm xây dựng, hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm 2017 nhân dịp 15 năm ký DOC Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam

Về phần mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam; kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với Việt Nam; bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất; khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì đại cục quan hệ Trung - Việt và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết 9 văn kiện hợp tác, trong đó có: “Hiệp định gia hạn bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021”; “Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc”; “Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, “Danh mục dự  án hợp tác năng lực sản xuất”; “Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi”; “Bản ghi nhớ xây dựng Quy hoạch hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020”; “Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa hai Bộ Giáo dục giai đoạn 2016 - 2021”; “Bản ghi nhớ về việc trao tặng thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu trị giá 20 triệu Nhân dân tệ”.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang và Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc Trung Quốc Du Chính Thanh.