00:28 26/01/2011

Vietcombank: Trích dự phòng lớn, lợi nhuận vẫn cao

Đức Hoàng

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có khoản trích dự phòng rủi ro lớn nhưng lợi nhuận vẫn đạt ở mức cao

Năm 2011, Vietcombank đặt mục tiêu khống chế nợ xấu không quá 2,2%.
Năm 2011, Vietcombank đặt mục tiêu khống chế nợ xấu không quá 2,2%.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có khoản trích dự phòng rủi ro lớn nhưng lợi nhuận vẫn đạt ở mức cao.

Vietcombank vừa công bố một số thông tin cơ bản về kết quả hoạt động kinh doanh riêng lẻ trong năm 2010.

Cụ thể, năm 2010, tổng tài sản, dư nợ tín dụng, huy động vốn từ nền kinh tế của ngân hàng này tăng tương ứng 20,3%, 24,9% và 21,4% so với năm 2009. Các kết quả này đều vượt các chỉ tiêu đưa ra từ đầu năm (lần lượt là 15%, 23% và 20%).

Đáng chú ý là ở nợ xấu, năm 2010 Vietcombank bắt đầu thực hiện phân loại nợ theo định tính, nhằm tăng cường chất lượng nợ và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Kết quả thực hiện được thấp hơn chỉ tiêu dự kiến; nợ xấu dưới 3%, trong khi chỉ tiêu là dưới 3,5%. Năm 2011, ngân hàng này tiếp tục đặt yêu cầu giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu, khống chế tối đa là 2,2%.

Liên quan đến nợ xấu, việc phân loại theo tiêu chuẩn mới buộc Vietcombank phải gia tăng trích lập dự phòng. Điều này cũng đã được Tổng giám đốc Nguyễn Phước Thanh nhấn mạnh tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4/2010; được giải thích là một lý do khiến chỉ tiêu lợi nhuận giảm so với năm 2009 (chỉ với 4.500 tỷ đồng trước thuế, giảm 10,07%).

Trong năm 2010, khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ vẫn đạt tới khoảng 5.400 tỷ đồng (sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng). Hiệu suất sinh lời trong năm 2010 được Vietcombank cho là khá cao, khi ROE đạt khoảng 23%.

Năm 2011, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn và tín dụng là 25%. Các chỉ tiêu kinh doanh cụ thể sẽ được trình và thông qua đại hội đồng cổ đông.

Đặc biệt, trong năm này, Vietcombank cho biết sẽ thúc đẩy việc lựa chọn đối tác chiến lược và nhà đầu tư tài chính lớn để bán cổ phiếu, giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu.