15:59 13/12/2007

Vietcombank và đầu cơ

Đối với giới đầu tư tổ chức, tham gia IPO Vietcombank không còn là điều nghi ngờ

Có hai luồng dự đoán về giá đấu giá của nhà đầu tư nội: từ 120.000-150.000 đồng/cổ phiếu và từ 150.000-180.000 đồng/cổ phiếu Vietcombank - Ảnh: Việt Tuấn.
Có hai luồng dự đoán về giá đấu giá của nhà đầu tư nội: từ 120.000-150.000 đồng/cổ phiếu và từ 150.000-180.000 đồng/cổ phiếu Vietcombank - Ảnh: Việt Tuấn.
Một sự trùng lặp ngẫu nhiên. Đúng vào ngày lãnh đạo Vietcombank gặp gỡ báo chí, chính thức công bố chi tiết việc IPO, Bộ Tài chính ban hành văn bản, theo đó bắt đầu từ năm 2008, các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ không còn được hưởng ưu đãi thuế.

>>Toàn cảnh cổ phần hóa Vietcombank

Lập luận của Bộ Tài chính là đã đến lúc thiết lập lại sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Năm năm cho một gương mặt mới

Tuy nhiên bỏ ưu đãi thuế trong cổ phần hóa lại phát đi một tín hiệu lạc quan đối với giới đầu tư nước ngoài: Việt Nam đang thực hiện đúng những cam kết WTO trong cải cách doanh nghiệp quốc doanh. Dường như họ đã quên sự chậm trễ IPO của Vietcombank. Họ nói nhiều đến việc tham gia mua cổ phiếu ngân hàng này.

100% các tổ chức nước ngoài ở Tp.HCM mà người viết phỏng vấn, đều trả lời sẽ tham gia đấu giá Vietcombank. Đến nỗi tại Singapore, Judd Clark Kinne, Alternate Director to Chairperson (người thay thế chủ tịch hội đồng quản trị khi cần) của tập đoàn Kim Eng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm sống và làm việc ở châu Á, khi được hỏi có tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần Vietcombank, đã nói: “Năm năm sau kể từ bây giờ, các bạn sẽ thấy Vietcombank phát triển khủng khiếp như thế nào. Đó sẽ là một gương mặt hoàn toàn mới. Đầu tư dài hạn vào ngân hàng ở những thị trường mới nổi như Việt Nam là một phi vụ hứa hẹn có lời, nhưng phải chọn những ngân hàng tốt. Vì sao? Vì ngân hàng gắn chặt với sự tăng trưởng của nền kinh tế, mà kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Hãy nhìn kinh nghiệm của Temasek Singapore. Bảy, tám năm trước họ đầu tư rất mạnh vào ngân hàng ở Indonesia, Ấn Độ và các nước khu vực xung quanh, và hiện họ đã có lời”.

Đối với giới đầu tư tổ chức, tham gia IPO Vietcombank không còn là điều nghi ngờ. Vấn đề còn lại chỉ là bỏ giá bao nhiêu cho trúng và mua được khối lượng tối đa. Sẽ có một khoảng cách giữa giá của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước vì khối lượng cổ phiếu nước ngoài được mua ít hơn, trong khi khả năng tham gia của nước ngoài cao hơn.

Có hai luồng dự đoán về giá đấu giá của nhà đầu tư nội: từ 120.000-150.000 đồng/cổ phiếu và từ 150.000-180.000 đồng/cổ phiếu. Lý do của luồng ý kiến thứ hai là cầu quá lớn mà cung giới hạn. Riêng ý kiến của một số quan chức Vietcombank thì nghiêng về luồng thứ nhất. Một vị đề nghị không nêu tên phát biểu: “Giá trúng càng cao áp lực đối với chúng tôi càng lớn. Nhà đầu tư kỳ vọng ở Vietcombank nhiều, đó là gánh nặng cho chúng tôi”.

Nhận thức được áp lực và kỳ vọng đó, Vietcombank đã bắt đầu thay đổi. Từ hơn một tuần nay ngân hàng này đã giảm và có ngày ngưng mua hoàn toàn đô la Mỹ. “Mua đô la bây giờ là lỗ. Mua hôm nay, ngày mai lỗ vì giá giảm. Chúng tôi sắp thành ngân hàng cổ phần, đâu còn là quốc doanh mà phải “làm nghĩa vụ” với doanh nghiệp”, vị quan chức trên nói.

Đầu cơ

Càng gần ngày Vietcombank đấu giá, chỉ số VN-Index càng tụt giảm. Nó đã xuống đến 941 điểm vào thứ ba 11/12/2007, trước ngày Vietcombank tổ chức roadshow ở Hà Nội. Ghi nhận từ các nhà môi giới là không ít doanh nghiệp, kể cả ngân hàng, đang bán ra cổ phiếu, thực hiện chức năng đầu tư tài chính để cải thiện chỉ số lợi nhuận 2007.

Bên cạnh đó một số cá nhân nắm nhiều cổ phiếu cũng bắt đầu bán ra. Tính toán của họ là phải bán hết cổ phiếu trong quí 1/2008, chậm nhất tháng 4/2008 trước khi thị trường bước vào chu kỳ trầm lắng hàng năm. Mức thuế 20% đánh trên thu nhập chứng khoán không phải nhỏ và có hiệu lực từ 1/1/2009. Với những người có hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mệnh giá cổ phiếu, thì số thuế phải nộp quả là cao.

Mặt khác, nói như Judd Clark Kinne, ở những thị trường mới nổi, sự biến động cổ phiếu trước những sự kiện nhạy cảm như Vietcombank thường rất lớn. Ông nói: “Con đường phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đang tốt. Các thị trường mới nổi đều đi theo con đường giống nhau. Chính phủ Việt Nam cần phải có hoạch định phát triển để tránh những sai lầm của những thị trường đi trước như Thái Lan, Hàn Quốc... Bất kỳ thị trường nào cũng trải qua giai đoạn đầu cơ mạnh. Điều đó nguy hiểm và nó phải được ngăn chặn để thị trường đi lên bền vững. Nếu không đầu cơ sẽ làm hỏng thị trường”.

Liệu có sự liên quan của dòng vốn nước ngoài đến đầu cơ? “Thị trường tài chính Việt Nam đang rất hấp dẫn”, Kinne nói. “Xã hội, chính trị ổn định, thu nhập dân cư tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, kinh tế tăng trưởng, trong khi đó thị trường chứng khoán phát triển nhanh. Giống như thị trường chứng khoán Thái Lan cách đây 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện giờ chưa đủ thông tin, nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh, các công ty phát hành cổ phiếu liên tục...”. Theo ông, đấy là những điều kiện thu hút nước ngoài đưa tiền vào.

Sự gia tăng của luồng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang gây sức ép lên tiền đồng Việt Nam. “Ở các nước Đông Nam Á, đồng nội tệ lên giá đang gây tổn thương xuất khẩu”, Kinne nhấn mạnh. “Đối với Việt Nam, sẽ là sai lầm nếu Chính phủ kiểm soát đồng tiền quá chặt, nhằm giữ sự ổn định cho nó. Cần phải đánh giá lại giá trị thực của tiền đồng, trả lại giá trị thực của nó. Đấy là động thái khó vì nó ảnh hưởng tới xuất khẩu, song không thể bảo vệ xuất khẩu một cách đơn phương”.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn đầu cơ? Kinne khẳng định: “Tự do hóa thị trường là con đường phải đi. Kiểm soát quá chặt không phải là con đường khôn ngoan. Chính phủ Việt Nam thành công hơn 10 năm (trong tăng trưởng kinh tế), họ có đủ năng lực để tháo gỡ vấn đề. Mở cửa kinh tế và tiền tệ là khôn ngoan hơn đóng nó lại”. Còn với thị trường chứng khoán, cách để giảm đầu cơ hữu hiệu nhất là đưa các doanh nghiệp lớn lên sàn. “Thị trường càng nhỏ, càng dễ đầu cơ. Thị trường lớn, cổ phiếu đa dạng, đầu cơ sẽ tự động giảm xuống”, ông kết luận.