10:28 24/11/2010

Vincom kiện Vincon: Ứng xử mới với... sở hữu trí tuệ

Hoài Ngân

Vincom đã đánh tiếng chuông khởi đầu cho xu hướng các doanh nghiệp tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bằng công cụ pháp lý

Tòa tháp Vincom City tại Hà Nội.
Tòa tháp Vincom City tại Hà Nội.
Vụ Vincom kiện Vincon vì cho rằng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể xem là một tín hiệu cho việc tới đây các doanh nghiệp phải quen dần với cách ứng xử mới.
 
Rắc rối từ tên

Công ty Cổ phần Vincom đã chính thức công bố việc khởi kiện dân sự Công ty Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon lên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, đồng thời gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm lên Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ, vì cho rằng Vincon đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu và tên thương mại của mình.

Theo lập luận của Vincom, tên thương mại/tên doanh nghiệp của Vincon tương tự với tên thương mại/tên doanh nghiệp của Vincom đã được đăng ký trước và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực "bất động sản".

Việc đặt tên nhãn hiệu và tên thương mại Vincon đã gây ra sự nhầm lẫn nhãn hiệu và tên thương mại của Vincom đối với công chúng; từ đó dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới uy tín thương hiệu, hình ảnh và uy tín của Vincom.

Mới đây, khi một số đơn vị truyền thông đại chúng có đưa tin: “Bắt quả tang Phó tổng giám đốc Vincon đánh bạc ngay trong phòng họp”, nhiều người đã lầm tưởng đó là nói về Công ty Cổ phần Vincom.

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vincom nói rằng cơ sở để công ty này khởi kiện là Vincom đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với tên "Vincom và hình" từ ngày 26/1/2005 tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Nhãn hiệu Vincom đã được đăng ký bảo hộ độc lập hoặc cùng với các yếu tố khác theo 7 văn bằng bảo hộ được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ.

Thêm nữa, nhãn hiệu Vincom còn được đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid dưới số 975445 và đã được chấp nhận bảo hộ tại 20 nước EU và Singapore, Nga; đồng thời sẽ được bảo hộ tại Trung Quốc và Belarus. Nhãn hiệu này cũng đã được đăng ký ở Hồng Kông và sắp tới là ở Thái Lan.

Cách ứng xử mới

Chưa rõ kết quả cuối cùng của vụ kiện này ra sao, tuy nhiên vụ kiện cũng có thể xem là một tín hiệu cho việc tới đây các doanh nghiệp phải quen dần với cách ứng xử mới, theo đó sở hữu trí tuệ phải được tôn trọng thật sự.

Luật Doanh nghiệp quy định: “Tên của doanh nghiệp phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật, không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký kinh doanh; phải viết rõ loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần...”

Vincon có vi phạm quy định này hay không? Quyết định cuối cùng thuộc về tòa án và vẫn còn bỏ ngỏ, nhất là trong bối cảnh tình trạng vi phạm về sở hữu trí tuệ vẫn rất phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, vụ việc sẽ khiến các doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ phải tự xem lại mình.

Các doanh nghiệp trùng tên hoặc gần giống tên là hiện tượng không hiếm trong nền kinh tế Việt Nam. Đây là hệ quả của việc trong một thời gian dài, các cơ quan đăng ký kinh doanh của các tỉnh thành “độc lập tác chiến” trong việc đăng ký kinh doanh.

Phải đến đầu năm nay, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin về doanh nghiệp trên toàn quốc mới được thiết lập.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tình trạng trùng tên doanh nghiệp được giải quyết tận gốc mà chỉ là không để xảy ra tình trạng này đối với các doanh nghiệp mới thành lập.

Còn đối với các doanh nghiệp trùng tên từ trước, cách giải quyết vẫn còn vướng mắc. Gần đây nhất, với việc nhập Hà Tây với Hà Nội, cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện có tới 600 doanh nghiệp ở hai địa phương này trùng tên với nhau.
 
Sở hữu trí tuệ luôn là lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài hết sức quan ngại khi tiến hành kinh doanh tại Việt Nam. Liên tiếp trong các kỳ hợp thường niên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VFB), đây là vấn đề bị kêu ca nhiều nhất.

VnEconomy sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các luật sư về vụ kiện của Vincom và cập nhật tới bạn đọc.