VN-Index thoát giảm nhờ trụ, khối ngoại bán ròng thỏa thuận khủng ở EIB
Tình trạng mạnh phiên sáng, yếu phiên chiều lại tái diễn, thậm chí có lúc đè VN-Index đỏ. Tuy nhiên khả năng giữ nhịp của các cổ phiếu lớn là rất ấn tượng, đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh thanh khoản thấp. VN-Index kết phiên vẫn có được 3,78 điểm tăng, dù số cổ phiếu giảm giá tiếp tục nhiều hơn số tăng...
Tình trạng mạnh phiên sáng, yếu phiên chiều lại tái diễn, thậm chí có lúc đè VN-Index đỏ. Tuy nhiên khả năng giữ nhịp của các cổ phiếu lớn là rất ấn tượng, đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh thanh khoản thấp. VN-Index kết phiên vẫn có được 3,78 điểm tăng, dù số cổ phiếu giảm giá tiếp tục nhiều hơn số tăng.
Trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” hôm nay cũng không quá xấu. HoSE kết phiên với 168 mã tăng/197 mã giảm. Trong đó, cũng chỉ có 67 mã tăng trên 1% và 81 mã giảm trên 1%.
Tuy vậy nếu so với sức mạnh đầu ngày, thị trường cuối phiên hôm nay đã yếu đi thấy rõ. HoSE chốt phiên sáng với 227 mã tăng/117 mã giảm. Lúc VN-Index tăng cao nhất buổi sáng, thậm chí chỉ có 61 mã giảm và tới 239 mã tăng. Độ rộng cuối ngày không thật sự phản ánh đúng thiệt hại của nhà đầu tư nếu trót mua đuổi giá. Thống kê với HoSE, có tới 222 mã bị ép tụt giá từ 1% trở lên trong tổng số 365 mã xuất hiện giao dịch, tương đương tỷ lệ 61%. Số tụt giảm với biên độ trên 2% là 122 mã.
Nhiều cổ phiếu bị ép rất mạnh vả thanh khoản khá cao, cho thấy có lực xả rõ ràng. PDR đầu phiên tăng 1,37%, đóng cửa giảm 4,44%, giao dịch 136 tỷ đồng thanh khoản. NVL từ tăng 1,67% đảo chiều thành giảm 4,35%, thanh khoản 221,6 tỷ đồng. VCG từ tăng 1,72% thành giảm 3,19%, giao dịch 184,6 tỷ. DBC từ tăng 1,88% thành giảm 2,81%, giao dịch 58,8 tỷ. KDH, PAN, HVN, KSB, HAG, DXG, HSG... đều có mức tụt giá 3-4% so với đỉnh và giao dịch hàng chục tới cả trăm tỷ đồng thanh khoản.
Tổng giá trị khớp lệnh HoSE tăng gần 22% so với hôm qua, đạt xấp xỉ 7.890 tỷ đồng và trạng thái tụt giá như vậy là phổ biến, phản ánh áp lực chốt lời vẫn tranh thủ xuất hiện lúc giá tăng tốt. Điểm tích cực là một số cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có khả năng co kéo chỉ số, đảm bảo chỉ báo bề mặt của thị trường vẫn ổn định như suốt hai tuần nay. VCB tăng 1,18%, VPB tăng 3,74%, SAB tăng 3,39%, VHM tăng 0,97% là 5 mã giúp VN-Index tăng 4,5 điểm, trong khi tổng mức tăng ở chỉ số này cuối phiên là 3,78 điểm.
VN30-Index đóng cửa vẫn tăng 0,34% so với tham chiếu, độ rộng 12 mã tăng/15 mã giảm. So với giá cuối phiên sáng, rổ này có 22/30 mã tụt giá, chỉ 5 mã tăng thêm. VPB, SAB là hai mã tăng nổi bật chiều nay. VPB chốt phiên sáng mới tăng nhẹ 0,8%, đóng cửa tăng 3,74%. SAB từ tăng 1,06% mở rộng lên 3,39%. VCB tuy là trụ mạnh nhất của VCB với mức tăng 1,18%, nhưng thực chất chiều nay đã tụt mất 0,23% so với buổi sáng.
Thanh khoản chiều nay tăng 24,4% trên hai sàn so với buổi sáng, đạt 4.818 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch cải thiện so với các phiên chiều trước đây. Tổng giao dịch khớp lệnh cả ngày cũng tăng 19,3%, đạt 8.690 tỷ đồng. Riêng giao dịch thỏa thuận phiên này đột biến với gần 4.584 tỷ đồng, trong đó có thỏa thuận gần 134,14 triệu cổ phiếu EIB. Khối ngoại bán ròng 3.394 tỷ đồng với EIB khiến vị thế giao dịch tại HoSE là -3.045 tỷ đồng. Như vậy nếu trừ giao dịch EIB, khối này vẫn mua ròng gần 349 tỷ đồng, tập trung vào HPG +41,8 tỷ, VHM +28,4 tỷ, VCI +26,2 tỷ, VIC +24,9 tỷ, CTG +24,1 tỷ, VND +23,3 tỷ và chứng chỉ quỹ E1 là 46,3 tỷ đồng.
Nhờ khả năng giữ nhịp của các cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index vẫn duy trì được trạng thái đi ngang, dù cổ phiếu thì phần lớn là suy yếu. Mức giảm ở cổ phiếu cũng khá nhẹ khiến áp lực cắt lỗ chưa xuất hiện. Thực tế thị trường cũng không có thông tin xấu bất ngờ nào khiến nhà đầu tư phải lo ngại bán ra. Giao dịch chủ yếu lúc này là những hành động đóng vị thế ngắn hạn hoặc tái cơ cấu danh mục giảm tỷ trọng.