11:02 13/01/2023

Giá điện năng lượng tái tạo xuống mức thấp, cổ phiếu điện còn hấp dẫn?

Thu Minh

Bộ Công thương đã đưa ra quyết định ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Mức giá mới sẽ làm giảm đáng kể tỷ suất sinh lời (IRR) của các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 7/1/2023 vừa qua, Bộ Công thương đã đưa ra quyết định ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Văn bản này là kết quả của những tính toán trước đó do EVN đệ trình.

Theo đó, giá điện mặt trời mặt đất là 1.184đ/kWh, thấp hơn 29,5% so với mức giá FIT đạt. Giá điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng thấp hơn khoảng 21%, lần lượt là 1.587đ/kWh và 1.816đ/kWh.

TỶ SUẤT SINH LỜI DỰ ÁN CHUYỂN TIẾP GIẢM ĐÁNG KỂ

Theo thống kê của VnDirect, khung giá mới sẽ áp dụng cho khoảng 16 dự án điện mặt trời và 62 dự điện gió trong diện chuyển tiếp, tức là những dự án đã tiến hành đầu tư, triển khai nhưng chưa kịp hoàn thành trước hạn giá FIT (đối với ĐMT là từ 01/01/2021, đối với điện gió là từ 01/11/2021). Đây được xem là tín hiệu giải cứu đầu tiên cho một số doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo có dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn.

Tuy nhiên, khung giá này có thể phần nào làm thất vọng nhiều nhà đầu tư đã mòn mỏi chờ đợi quá lâu, vì một số yếu tố sau: Việc ban hành khung giá bằng VND thay vì bằng USD không phản ánh yếu tố trượt giá.

Hiện tại Khung giá mới cho điện mặt trời (1.184đ/kWh) đang dựa trên phương án tính toán thứ 4 của EVN, tính toán theo thông số đầu vào của 2 nhà máy điện mặt trời – Phước Thái 2, 3. Trong khi các phương án 1,2,3 tính toán theo giá trị trung bình của 106 dự án điện mặt trời khác và đưa ra mức giá vào khoảng 1.400-1.500đ/kWh. Việc sử dụng các giá trị tính toán của 106 dự án điện mặt trời sẽ mang tính đại diện và khách quan hơn.

Đồng thời, không phải dự án chuyển tiếp nào cũng sẽ ghi nhận được hiệu quả sinh lời với khung giá này.

Giá điện năng lượng tái tạo xuống mức thấp, cổ phiếu điện còn hấp dẫn? - Ảnh 1

Cũng theo VnDirect, mức giá mới sẽ làm giảm đáng kể tỷ suất sinh lời (IRR) của các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1% theo dự tính. Trong khi đó, IRR của điện gió trên bờ và gần bờ sẽ giảm xuống lần lượt là 8,0% và 7,9% từ mức hơn 12% theo giá FIT cũ.

Về cơ cấu chi phí đầu tư dự án, chi phí mua sắthiết bị vật tư (Capex) vẫn đang
chiếm khoảng 70-75% tổng gói thầu. Theo sau là chi phí xây dựng khoảng 20-25% và còn lại là các chi phí liên quan đến tư vấn, quản lý dự án. Ngoài ra, chi phí vốn của dự án cũng đóng vai trò quan trong đến hiệu quả đầu tư.

Do đó, tiến hành chạy bảng phân tích độ nhạy theo hai biến sẽ có ảnh hưởng rõ rệt nhất lên IRR bao gồm suất đầu tư và lãi vay đối với 1 dự án điện gió [trên/gần] bờ. Hiện tại, với giả định lãi vay 11% và suất đầu tư vào khoảng 1,6 triệu USD/MW, IRR của dự án điện gió sẽ duy trì ở mức khoảng 8%, đây là mức khá thấp khi so với mức IRR theo giá FIT cũ vào khoảng 12%.

Giá điện năng lượng tái tạo xuống mức thấp, cổ phiếu điện còn hấp dẫn? - Ảnh 2

Tuy nhiên, trên thực tế, một số các yếu tố liên quan đến số giờ vận hành, lãi vay, và suất đầu tư sẽ có sự khác biệt theo tính chất từng dự án, và đây sẽ vẫn là cơ hội cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo thực sự có năng lực, quy mô, và khả năng huy động vốn rẻ.

CỔ PHIẾU NÀO HẤP DẪN

Mặc dù vậy, lại có nhiều yếu tố hỗ trợ giảm chi phí đầu tư năng lượng tái tạo
trong thời gian tới. Theo đó, sẽ vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả đầu tư dư án, có hai xu hướng hỗ trợ rõ rệt bao gồm:

Thứ nhất, ngày 14-12, Việt Nam và các nước G7 cùng đối tác phát triển là Liên minh Châu âu, Na uy, Đan Mạch đã thông qua tuyên bố chính trị thiết lập JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh. Theo đó, kế hoạch ban đầu sẽ huy động khoảng 15,5 tỷ USD từ khu vực công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới nhằm hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam.

Đây là nguồn vốn dồi dào với mức lãi suất rẻ, đang chảy mạnh mẽ vào nước ta và là cơ hội cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoạt động hiệu quả tái cấu trúc nợ trong thời gian tới.

Giá điện năng lượng tái tạo xuống mức thấp, cổ phiếu điện còn hấp dẫn? - Ảnh 3

Thứ hai, theo dự thảo Quy hoạch điện 8, chi phí đầu tư của các dự án NLTT sẽ
giảm dần trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho công đoạn phát triển của các dự án sắp tới, phần nào bù đắp được việc phải huy động ở mức giá thấp cho các dự án năng lượng tái tạo diện chuyển tiếp.

Dự kiến chi phí đầu tư Điện mặt trời trang trại và điện gió trên bờ sẽ giảm khoảng 1,5% mỗi năm trong khi đó, chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi ghi nhận mức giảm gấp đôi khoảng 3% từ nay đến 2045. Theo đó chi phí quy dẫn (LCOE) có thể ghi nhận mức giảm tương ứng và chúng tôi cho rằng xu hướng giảm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hạ bớt áp lực chi phí trong cả ngắn và dài hạn.

Chính sách giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng sẽ là tiền đề để Bộ Công thương tiếp tục đưa ra những hướng đi tiếp theo cho các dự án phát triển mới dựa trên khung giá này. Các chuyên gia phân tích của VnDirect cho rằng đây sẽ là một phép thử cần thiết để Bộ Công thương có cơ sở đánh giá cũng như điều chỉnh khung giá mới một cách cẩn thận và hợp lý.

Với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26 cũng như những điều chỉnh đáng kể trong dự thảo QHĐ8 - nâng cao tỉ trọng công suất điện năng lượng tái tạo, VnDirect vẫn kỳ vọng vào một chính sách giá đủ hấp dẫn nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này.

Giá điện năng lượng tái tạo xuống mức thấp, cổ phiếu điện còn hấp dẫn? - Ảnh 4

Các doanh nghiệp có khả năng cải thiện chi phí phát triển, vận hành, cũng như có năng lực huy động nguồn vốn rẻ sẽ nắm ưu thế trong giai đoạn này.  PC1 sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên khi tham gia vào lĩnh lực xây lắp, đặc biệt là EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp.

Ngoài ra,  một số những nhà phát triển năng lượng nổi bật đang niêm yết bao gồm BCG, GEG sẽ có thể tăng trưởng công suất khi sở hữu các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Ngoài ra, Trung Nam và T&T Group (chưa niêm yết) cũng là những doanh nghiệp được hưởng lợi khi các dự án đã hoàn thành nhưng trễ FIT sẽ được hòa lưới điện.