VNM, GAS đưa VN-Index vượt đỉnh trở lại, thanh khoản giảm
Thị trường đã có phiên phục hồi nhẹ sáng nay cả ở chỉ số lẫn cổ phiếu. VN-Index vượt trở lại lên trên mốc 1.200 điểm từ khoảng 10h50 và duy trì đi ngang trong thời gian còn lại. VNM, GAS là hai trụ nổi bật nhất, số còn lại mờ nhạt. Tuy vậy việc giảm ít cũng là một yếu tố hỗ trợ, nếu nhìn từ cổ phiếu VCB...
Thị trường đã có phiên phục hồi nhẹ sáng nay cả ở chỉ số lẫn cổ phiếu. VN-Index vượt trở lại lên trên mốc 1.200 điểm từ khoảng 10h50 và duy trì đi ngang trong thời gian còn lại. VNM, GAS là hai trụ nổi bật nhất, số còn lại mờ nhạt. Tuy vậy việc giảm ít cũng là một yếu tố hỗ trợ, nếu nhìn từ cổ phiếu VCB.
Chỉ số khá vất vả mới có thể chinh phục trở lại mốc 1.200 điểm là do VCB gây tác động quá mạnh ban đầu. Trụ lớn nhất thị trường này có phiên giảm mạnh thứ hai liên tục, mức sâu nhất sáng nay tới -0,97%. Đến cuối phiên VCB có cải thiện, thu hẹp mức giảm còn 0,65% nhưng vẫn lấy đi khoảng 0,7 điểm ở VN-Index.
VN30 chốt phiên sáng tuy có 22 mã tăng/5 mã giảm nhưng chỉ số tăng quá ít 0,38%. Chỉ riêng điều này cũng cho thấy đà tăng không mạnh ở nhóm blue-chips. Duy nhất 3 mã tăng trên 1% là NVL tăng 4,2%, VNM tăng 1,59%, GVR tăng 1,55%. Trong số này chỉ có VNM là trụ ảnh hưởng tích cực. GAS tuy chỉ tăng 0,92% nhưng nhờ vốn hóa lớn nên vẫn có ảnh hưởng nhiều hơn cả NVL lẫn GVR.
Phần còn lại của nhóm VN30 tăng yếu: BID, TCB, VHM, VIC, VPB, CTG tăng không đáng kể, kéo điểm rất kém. Dù vậy việc tăng giá cũng giúp bớt gánh nặng cho điểm số. Chỉ cần nhóm này có cải thiện, VN-Index sẽ bứt phá rõ hơn trong phiên chiều.
Tuy vậy điều cốt yếu vẫn là dòng tiền có tăng lên hay không. VN30 sáng nay giảm giao dịch tới 20% so với sáng hôm qua, chỉ đạt hơn 2.847 tỷ đồng. Riêng NVL đã chiếm 25% tổng khớp rổ này khi giao dịch tới 713 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với dòng tiền vào các mã còn lại tương đối nhỏ. Đây là hệ quả của phiên giao dịch đột biến lớn ngày hôm qua, với một lượng tiền khổng lồ được rút ra khỏi cổ phiếu. Sẽ không thể trông đợi lượng tiền vừa bán hôm qua quay lại mua, nên thanh khoản sẽ từ từ xuống thấp.
Điều này cũng đúng với toàn thị trường nói chung. Hai sàn niêm yết phiên sáng khớp lệnh giảm 14%, đạt 10.288 tỷ đồng. HoSE giảm 16% với 9.242 tỷ đồng. Đây vẫn là con số khá lớn, nhưng giá cổ phiếu cũng đang ở mức rất cao nên sức mạnh dòng tiền cũng yếu đi tương xứng.
Diễn biến thị trường sáng nay đi từ chỗ lình xình trong nửa đầu phiên với VN-Index trồi sụt liên tục quanh tham chiếu, tới khởi sắc trong khoảng 1 tiếng cuối cùng. Chỉ số hiện đang chốt ở sát mức cao nhất, đạt 1.202,32 điểm, độ rộng ghi nhận 286 mã tăng/145 mã giảm. Như vậy cũng có khá nhiều cổ phiếu phục hồi sau phiên điều chỉnh hôm qua.
Sàn HoSE hiện đang có 10 mã kịch trần và 107 mã khác tăng trên 1%. Đây là biên độ khá tích cực, chưa kể thanh khoản ở nhóm này chiếm 53,3% tổng khớp của sàn. Dòng tiền sáng nay tạo được hiệu ứng giá khá tốt. Một số mã rất ấn tượng như IJC kịch trần với 119 tỷ đồng thanh khoản; ORS tăng 4,14% với 96,5 tỷ đồng; VND tăng 3,87% với 678,6 tỷ; ASM tăng 3,86% với 97 tỷ; DCM tăng 3,23% với 114,9 tỷ…
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu chứng khoán đang tốt nhất khi chỉ có VFS và APS là giảm giá, còn lại đều tăng. Nhóm tăng trên 3% bao gồm BMS, ORS, VND, TCI, APG, HBS. Nhóm tăng trên 2% có FTS, TVS, DSC, MBS, AGR, VDS.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch cân bằng, mức ròng chỉ là +13 tỷ đồng. Khối này mua ròng mạnh VNM với 65,5 tỷ, PNJ +32,6 tỷ, KDH +24,5 tỷ. Bán ra có HPG -37,6 tỷ, MSB -21,4 tỷ. Tổng thể mức mua vào của khối ngoại chỉ chiếm 6,9% giao dịch HoSE. Như vậy dòng vốn trong nước vẫn là động lực chính của sự phục hồi.