09:22 22/05/2008

“Võ tay trái” của các “anh cả”

Hồ Khánh Thiện

Nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc đề nghị: đã đến lúc siết chặt việc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư tràn lan!

Ngành điện cần đầu tư nhiều hơn cho... điện.
Ngành điện cần đầu tư nhiều hơn cho... điện.
Tại hội nghị về đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (23/4/2008), Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã gọi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là “anh cả” của nền kinh tế.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người ta kỳ vọng vào những “trụ cột”. Nhưng, tại diễn đàn Quốc hội lần này, nhiều đại biểu tỏ ra rất bức xúc đối với các “anh cả”!

Tại cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để bàn về đẩy mạnh sản xuất, kiềm chế lạm phát ngày 1/4/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo tình trạng các doanh nghiệp đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính quá lớn, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2007 có 16 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với tổng giá trị đầu tư lên tới 4.965 tỷ đồng; 9 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng giá trị 316 tỷ đồng; 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm 6.518 tỷ đồng; 13 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với tổng giá trị 2.331 tỷ đồng.

Chạy theo lợi nhuận nhất thời

Còn số liệu của Bộ Tài chính, cũng tính đến cuối năm 2007: vốn đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty có giá trị lên tới gần 117.000 tỷ đồng (đây mới chỉ là con số báo cáo và chỉ tính các tổng công ty lớn); trong đó 28/70 tổng công ty có hoạt động lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản với trị giá lên đến 23.300 tỷ đồng.

Việc đầu tư ra ngoài của các tập đoàn, tổng công ty làm phân tán nguồn lực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia tài chính nhân dịp này đã nhắc lại bài học kinh nghiệm cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 - 1998, bắt đầu từ sự đổ vỡ tài chính từ một tập đoàn kinh tế, sau đó kéo theo đổ vỡ dây chuyền không dừng lại trong phạm vi một nước mà kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt tập đoàn kinh tế nhiều quốc gia mà hệ lụy của nó đến giờ chưa hết.

Đây là bài học quốc tế đắt giá mà Việt Nam cần tránh!

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hà, các tập đoàn, tổng công ty khi thành lập đều xác định vốn điều lệ trên cơ sở vốn sổ sách. Vì vậy, không phản ánh được thực chất nhu cầu và biện pháp sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Số vốn huy động của 70 tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2007 lên đến 448.269 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ đạt 323.208 tỷ đồng. Tức là vốn vay bằng 1,4 lần vốn chủ sở hữu.

Việc tự huy động vốn đã dẫn đến tình trạng một số tổng công ty có hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu quá cao, rất đáng lo ngại.

Tuy nhiên, khi đăng đàn phát biểu tại hội nghị về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều cho rằng Nhà nước cần tạo điều kiện để các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các lĩnh vực trên, vì có như thế mới xoay được vốn làm ăn (!).

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin lý giải rằng do đặc thù của ngành kinh doanh tàu thuỷ cần vốn lớn, Nhà nước không bổ sung vốn nên Vinashin phải đầu tư vào tài chính, bất động sản, để kiếm vốn đầu tư cho các dự án lớn hơn.

Ông Bình cho rằng, tập đoàn đầu tư vào các công trình phúc lợi, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện ngành là cần thiết để “lấy ngắn nuôi dài”.
Tương tự, ngành điện cũng “lấy ngắn nuôi dài” khi đầu tư sang lĩnh vực khác. Mới đây EVN đã gửi văn bản đến các đơn vị thành viên để huy động vốn thành lập Công ty Cổ phần Thiên đường Lăng Cô đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, lữ hành, lưu trú, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận tải du lịch biển, hàng không dân dụng... với tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã hết sức bức xúc trước việc đầu tư xây dựng khu resort ở miền Trung - một lĩnh vực không liên quan gì đến ngành điện.

Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của tập đoàn

Theo ông Phạm Viết Muôn, việc các tập đoàn mở rộng hoạt động kinh doanh đã làm số lượng doanh nghiệp của tập đoàn tăng và kéo theo nó là nguy cơ không đảm bảo về năng lực quản lý, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn, như cho vay nội bộ, chi phối giá mua, giá bán; nguy hiểm hơn là phân tán tài sản nhà nước về những công ty con, trong đó các vị lãnh đạo của tập đoàn nắm giữ một lượng cổ phiếu đáng kể ở những công ty con mới này.

Chỉ với thương hiệu của tập đoàn mẹ và một mảnh đất, họ đủ sức làm nên những cuộc bán đấu giá cổ phần cao ngất ngưởng mà người hưởng lợi chính là những người nắm sở hữu cổ phần lớn.

Bên cạnh đó, các tập đoàn liên tục đầu tư chéo vào nhau thông qua các công ty con, tạo nên một hệ thống sở hữu chéo, làm lợi ích liên kết ngày càng chặt chẽ. Ông Muôn nói: “So với năm 2006 số lượng công ty con trong tập đoàn tăng 10% (68 công ty) và công ty liên kết tăng 39%. Trong năm 2007, riêng Vinashin tăng 43 công ty con và 111 công ty liên kết, liên doanh mà chủ yếu góp vốn bằng thương hiệu”.

Về hiện tượng này GS.TS Trần Ngọc Thơ phân tích: tiền vốn thay vì tập trung toàn lực cho sản xuất kinh doanh để người dân được lợi, thì cứ chạy lòng vòng theo kiểu công ty con lén dúi tiền cho công ty mẹ, rồi mẹ lại đổ tiền về con để lách đi dễ dàng những qui định kiểm soát của Nhà nước. Và, sau đó tất cả tiền của cả mẹ lẫn con đều tăng lên theo cấp số nhân nhờ mua lại cổ phiếu ảo của nhau và lại “cháy” hết vào chứng khoán và cơn lốc bất động sản như hai năm 2006, 2007.

Hiện tượng này không khó để nhận ra, thế nhưng tại sao nó vẫn xẩy ra và đang có xu hướng phát triển? Phải chăng, ngoài sự buông lỏng quản lý của Nhà nước còn có những biểu hiện rõ rệt của lợi ích nhóm, của quan hệ thân hữu? Điều này, nếu có, rất nguy hại và cần phải ngăn chặn kịp thời!.

Ngày 10/5/2008 khi thảo luận quyết toán ngân sách 2006 một số đại biểu Quốc hội đã phân tích những khoản ngân sách bị chi tiêu “vô bổ”, những khoản ưu đãi cần xem xét lại. Nhiều đại biểu phân tích sự lãng phí của những “miếng bánh ngân sách” đầu tư cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty... để rồi họ đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản làm chỉ số lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung băn khoăn rằng, trong số các khoản chi vượt dự toán (và bội chi) thì một phần khá lớn giành cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu bức xúc đề nghị: phải nhìn thẳng vào sự thật, đã đến lúc siết chặt việc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư tràn lan! Cần Quốc hội giám sát tập đoàn kinh tế! Cần ngăn chặn đầu tư trái ngành! Chính phủ cần chấn chỉnh quyết liệt...

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể về mô hình tập đoàn kinh tế. Theo nhiều chuyên gia kinh tế việc này cần được tiến hành sớm để có quyết sách đúng. Nhưng trước mắt, tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải được kiểm toán độc lập hàng năm để xác minh tính hiệu quả thực tế của chúng.