08:12 07/06/2007

Vodafone vào Việt Nam: “Cơ hội lớn đến từ cổ phần hóa”

Lan Hương

"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một trong những nhà đầu tư chiến lược của các công ty thông tin di động"

Biểu tượng của Vodafone.
Biểu tượng của Vodafone.
Với việc khai trương văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 6/6/2007, Tập đoàn Vodafone, nhà điều hành mạng di động lớn nhất thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Ông Warren Finegold, Tổng giám đốc Phát triển kinh doanh toàn cầu của Vodafone, đang có nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt khi quá trình cổ phần hóa các mạng thông tin di động đang ngày càng rõ ràng hơn.

Vậy ông đã nhìn thấy cơ hội nào sẽ dành cho Vodafone trong tiến trình cổ phần hóa đó?

Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một trong những nhà đầu tư chiến lược của các công ty thông tin di động. Và khi trở thành nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi tin tưởng sẽ mang lại lợi ích cho các nhà khai thác dịch vụ thông tin di động của Việt Nam.

Vodafone sẽ mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam, thưa ông?

Vodafone là nhà điều hành mạng di động lớn nhất thế giới với các hoạt động quan trọng tại các thị trường mới nổi. Cùng với những khoản đầu tư lớn, Vodafone còn có thể đem lại những kinh nghiệm làm việc với các cổ đông nhà nước tại rất nhiều liên doanh di động của Vodafone tại Ai Cập, Trung Quốc, Kenya và Nam Phi.

Vodafone có thể mang đến các sản phẩm và dịch vụ quốc tế đến Việt Nam cũng như những dịch vụ sở hữu riêng duy nhất cho nhu cầu từng thị trường như chúng tôi đã từng làm khắp nơi trên thế giới. Vodafone luôn có cách tiếp cận theo phong cách kinh doanh và tôn trọng đối với những thị trường mới: chúng tôi là những đối tác tốt và chúng tôi luôn nhạy cảm với văn hóa bản địa.

Thị trường Việt Nam được đánh giá như thế nào trong chiến lược mở rộng và phát triển ra nước ngoài của Vodafone hiện nay?

Trước đây, Vodafone chỉ tập trung vào khu vực Tây Âu, nhưng giờ đây chúng tôi đã phát triển ra nhiều thị trường khác. Việt Nam theo đánh giá của chúng tôi có hai yếu tố có thể thu hút sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất, tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Thứ hai, chúng tôi thấy tiềm năng phát triển thị trường thông tin di động còn tương đối tốt, theo đánh giá của chúng tôi, đây là một trong rất ít thị trường còn sót lại với dân số lớn, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thấp và có tiềm năng phát triển cao (dân số 84 triệu, tỷ lệ sử dụng di động 10,5% theo thống kê năm 2005 và 28,6% dân số là người trẻ tuổi).

Dân số Việt Nam và tiềm năng phát triển thị trường di động trong tương lai đã làm cho Việt Nam trở thành một nước quan trọng đối với Vodafone.

Số tiền mà Vodafone sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam là bao nhiêu, thưa ông?

Cho đến lúc này còn hơi sớm để nói về những con số cụ thể. Chúng tôi vừa mở văn phòng đại diện. Tuy nhiên, về vốn đầu tư, Vodafone có một tiềm lực tài chính mạnh mẽ và có khả năng lớn để đầu tư tại Việt Nam.

Truyền thống của Vodafone là đầu tư vào các công ty khai thác chiếm giữ vị trí hàng đầu tại các quốc gia mà chúng tôi sẽ đầu tư. Chính vì vậy, chính sách của Vodafone là đầu tư vào các công ty ở vị trí số 1, số 2 và cùng lắm là số 3.

Việt Nam là một bộ phận của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và Vodafone đã có sự hiện diện mạnh mẽ thông qua việc sở hữu mạng Hutch Assar tại Ấn Độ, cổ phần tại Công ty China Mobile và thông qua các chi nhánh của Vodafone tại Australia, Fiji và New Zealand.

Do Vodafone đang tìm cách tăng sự hiện diện trực tiếp tại châu Á, chương trình cổ phần hóa tại Việt Nam là con đường tiếp cận mà chúng tôi muốn tìm hiểu để đầu tư vào đất nước này.