12:26 29/07/2010

Vốn tiếp tục bơm ròng qua OMO

Minh Đức

Nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được bơm ròng qua thị trường mở (OMO) và có định hướng tiếp tục tăng cường

Lượng vốn bơm qua OMO những tuần gần đây theo cập nhật của một công ty chứng khoán (đơn vị: tỷ đồng, mốc xác định theo ngày kết thúc tuần).
Lượng vốn bơm qua OMO những tuần gần đây theo cập nhật của một công ty chứng khoán (đơn vị: tỷ đồng, mốc xác định theo ngày kết thúc tuần).
Nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được bơm ròng qua thị trường mở (OMO) và có định hướng tiếp tục tăng cường.

Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, từ nay đến cuối năm cơ quan này sẽ điều hành lượng tiền cung ứng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua các công cụ chính sách tiền tệ, để đảm bảo tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cả năm 2010 tăng khoảng 20% - 25%.

Trong thời gian tới, nhà điều hành đưa ra định hướng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường theo hướng giảm dần. Một trong những biện pháp được đưa ra là tăng lượng tiền cung ứng, tăng thêm khối lượng vốn giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn và lãi suất hợp lý.

Trước đó, đầu năm 2010, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Cụ thể, từ ngày 23/12/2009, cơ quan này đã tăng cường hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng thông qua nghiệp vụ thị trường mở với 2 phiên giao dịch/ngày, kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày (hiện có thêm kỳ hạn 14 ngày). Lãi suất qua kênh hỗ trợ này cũng được giảm đáng kể, từ 7,8%/năm kỳ hạn 7 ngày xuống còn 7,5% - 7%/năm và phổ biến còn khoảng 7% - 7,3% ổn định suốt thời gian qua.

Cho đến nay, hoạt động của thị trường mở vẫn tiếp tục duy trì 2 phiên mỗi ngày. Khối lượng trúng thấu loạt phiên trong khoảng 2 tuần trở lại đây liên tục duy trì ở mức cao, từ 6.000 - 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, trong tháng 3 trở đi phổ biến là khối lượng thấp, dưới 1.000 tỷ đồng, một số phiên đạt từ 4.000 - 6.000 tỷ đồng, cá biệt đột biến tới 12.000 tỷ đồng (phiên thứ  93, ngày 22/3).

Bên cạnh sự duy trì khối lượng trúng thầu ở mức cao, hai tuần trở lại đây cho thấy những phiên đấu thầu cuối tuần vẫn giữ ở mức cao, thay vì phổ biến ở thấp trong những tháng trước.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, dữ liệu và kết quả giao dịch, lượng vốn bơm ra và hút về qua OMO tại các thời điểm cụ thể và định kỳ không được công bố rộng rãi; ngoại trừ những con số tổng kết tại một thời điểm nào đó theo phát ngôn của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hay các tài liệu tổng kết công bố chính thức.

Thời gian gần đây, khi đưa vào hoạt động cổng thông tin mới, thông tin về hoạt động đấu thầu và kết quả đấu thầu trên thị trường này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cập nhật khá đều, nhưng không phản ánh rõ diễn biến của nguồn vốn.

Tuy nhiên, qua một số kênh, một số tổ chức đầu tư vẫn cập nhật khá đều những dữ liệu trên, tạo thêm thông tin tham khảo cho thị trường. Việc cập nhật này đi cùng với ràng buộc về thông tin nguồn, nên có thể hạn chế ở khả năng phổ biến rộng.

Và theo theo cập nhật từ một số công ty chứng khoán uy tín, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì trạng thái bơm ròng vốn qua OMO trong suốt 3 tháng qua.

Cụ thể, trong bản tin cập nhật tới nhà đầu tư đầu tuần này, một công ty chứng khoán cho biết: “Việc nới lỏng tiền tệ trong thời gian gần đây được thấy rõ hơn qua việc Ngân hàng Nhà nước đang bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua OMO. Mức bơm ròng trong tháng 5 là 19 nghìn tỷ, tháng 6 là 9 nghìn tỷ và 3 tuần đầu tháng 7 là xấp xỉ 10 nghìn tỷ”.

Trong khi đó, bản tin hỗ trợ nhà đầu tư của một công ty chứng khoán khác lại cho biết chi tiết hơn diễn biến lượng tiền bơm qua thị trường này, kết quả qua các tuần gần đây.

Theo nguồn tin trên, trong tuần kết thúc vào ngày 28/5, lượng vốn bơm qua OMO là -7.275 tỷ đồng; tượng tự các tuần kết thúc vào các ngày 4/6 là 5.783 tỷ đồng, ngày 11/6 là 113 tỷ đồng, ngày 18/6 là -1.556 tỷ đồng, ngày 25/6 là 5.142 tỷ đồng, ngày 2/7 là 1.554 tỷ đồng, ngày 9/7 là 1.849 tỷ đồng, ngày 16/7 là -278 tỷ đồng và tuần gần nhất kết thúc vào ngày 23/7 là 5.597 tỷ đồng.

Nghiệp vụ thị trường mở là nghiệp vụ mua, bán giấy tờ có giá giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, trong đó Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò là người điều hành hoạt động thị trường. Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá, Ngân hàng Nhà nước tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường.

Sau khi liên tục bơm ròng, qua những dữ liệu từ các tổ chức trên, Ngân hàng Nhà nước định hướng sẽ vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động thị trường này, tăng cường nguồn vốn hỗ trợ và xem đó là một trong những giải pháp để tiếp tục thực hiện chủ trương hạ dần lãi suất và thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.