13:19 16/10/2024

Vụ án Lã Quang Bình: Ép doanh nghiệp vay "tín dụng đen" với lãi suất cao

Đỗ Mến

Biết ông Bình khó khăn về tài chính, bị can Hoài Anh một mặt cho ông Bình vay lãi suất cao, mặt khác móc nối với Phạm Như Hà không giải ngân cho các công ty của ông Bình buộc ông này phải vay tiền lãi suất cao của Nguyễn Hoài Anh rồi chia nhau lợi nhuận...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Ông Lã Quang Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY) bị đề nghị về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ. 5 bị can bị đề nghị về tội Cho vay nặng lãi.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2016, do có quan hệ tín dụng tại một ngân hàng, ông Lã Quang Bình cùng em gái là Lã Thị Phương Liên và nhân viên dưới quyền biết rõ các quy định của pháp luật về cấp hạn mức tín dụng, giải ngân cho khách hàng doanh nghiệp.

Bản thân ông Bình hiểu rằng các công ty của mình không có khả năng tài chính, không hoạt động sản xuất kinh doanh, không đủ điều kiện để được cấp hạn mức tín dụng giải ngân tại ngân hàng.

Tuy nhiên, để có tiền trả nợ vay tổ chức tín dụng, trả nợ vay lãi suất cao từ nhiều cá nhân, chi trả cho chi phí duy trì hoạt động của các công ty…, ông Bình đã câu kết, móc nối với một số cán bộ ngân hàng, đồng thời giao nhiệm vụ cho em gái tên Liên và các nhân viên tìm mua hàng trăm công ty, thay đổi đăng ký kinh doanh, tìm người đứng tên đại diện pháp luật, lập khống hồ sơ để được cấp hạn mức tín dụng, giải ngân hàng nghìn tỷ đồng tại một ngân hàng.

Ông Bình sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau và mất khả năng thanh toán. Kết luận điều tra cho rằng, trong lúc công việc kinh doanh gặp khó khăn, cần rất nhiều tiền để bù đắp, ông Bình đã đi vay lãi cao nhiều nơi. Trong đó, một số cựu nhân viên ngân hàng đã tham gia vào việc cho vay lãi nặng.

Kết luận cho thấy, bị can Nguyễn Hoài Anh (Tổng giám đốc Công ty Tín Việt) từng công tác tại ngân hàng biết rõ các quy định của pháp luật về cấp hạn mức tín dụng và giải ngân.

Do đó, Nguyễn Hoài Anh đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Như Hà (Phó giám đốc ngân hàng chi nhánh Đống Đa) và chỉ đạo nhân viên lập khống hồ sơ mua bán thép với nhau để tạo phương án kinh doanh giả để được giải ngân.

Sau đó, Hoài Anh dùng tiền này cho ông Bình vay với lãi suất cao để thu lợi và sử dụng vào mục đích cá nhân. Biết ông Bình khó khăn về tài chính, bị can Hoài Anh một mặt cho ông Bình vay lãi suất cao, mặt khác móc nói với Phạm Như Hà không giải ngân cho các công ty của ông Bình buộc ông này phải vay tiền lãi suất cao của Nguyễn Hoài Anh rồi chia nhau lợi nhuận.

Theo kết luận điều tra, qua sắp xếp của bà Hà, Hoài Anh cho ông Bình vay 120 tỷ đồng, lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với mức lãi suất 146%/năm, gấp 7,3 lần so với mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự. Hoài Anh đã thu lãi 9,6 tỷ đồng trong đó Hoài Anh hưởng lợi 5,5 tỷ đồng, Phạm Như Hà, Vương Thị Bích Ngọc hưởng lợi 4 tỉ đồng.

Cùng bị đề nghị truy tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, bị can Nguyễn Hải Long (cựu Phó tổng giám đốc ngân hàng) đã cho ông Bình vay 30 tỷ đồng từ ngày 15/3 đến ngày 19/8/2021 với lãi suất 0,5%/ngày (5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày), tương đương mức lãi suất 182,5%/năm, gấp 9,125 lần so với mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự. Việc cho vay giúp ông Long thu lợi bất chính hơn 16,3 tỷ đồng.

Tương tự, bị can Vũ Văn Khiêm, cựu giám đốc chi nhánh ngân hàng cho ông Bình vay 22 tỷ đồng, lãi suất 0,5%/ngày, thu lợi bất chính hơn 21,8 tủ đồng.

Một trong số những người cho ông Bình vay nặng lãi phải kể đến ông Phạm Quang Tạo.

Từ tháng 3/2021- 4/2022, ông Tạo đã cho ông Bình vay tổng số tiền 215 tỷ đồng với mức lãi suất 0,3%- 0,45%/ngày (từ 3.000 -4.500đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương từ 109,5%- 164,25%/năm, gấp từ 5,475 lần đến hơn 8,2 lần mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự). Tổng số tiền lãi là hơn 41,7 tỷ đồng.

Ông Lã Quang Bình đã trả cho ông Tạo tổng số tiền nợ gốc là 188 tỷ đồng, còn nợ 27 tỷ đồng. Nhiều lần không trả lãi đúng hạn, ông Bình đã phải chịu tiền lãi vượt mức quy định.

Quá trình điều tra bổ sung, ông Tạo khai nhận chia tiền cho Vương Thị Bích Ngọc và Nguyễn Phương Thảo để cảm ơn đã giới thiệu ông Bình vay tiền. Theo đó, có cơ sở xác định, ông Tạo chia cho Ngọc hơn 6,3 tỷ đồng; Thảo hơn 4,6 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận, từ năm 2020-2022, bị can Nguyễn Văn Tuấn đã cho ông Bình vay 5 lần số tiền 35 tỷ đồng. Tuấn nhận được 27 tỷ đồng tiền gốc, hơn 12 tỷ đồng tiền lãi. Cơ quan điều tra xác định Tuấn thu lời bất chính từ việc cho vay lãi nặng là hơn 10,3 tỷ đồng.

Với hành vi trên, các bị can Tuấn, Long, Khiêm, Tạo, Hoài Anh bị đề nghị truy tố về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.