07:55 01/04/2017

Vụ Kim Jong Nam: Malaysia trao trả thi thể cho Triều Tiên

An Huy

“Rõ ràng đây là một chiến thắng đối với Triều Tiên”, một chuyên gia nhận xét

Ông Kim Jong Nam trong một lần xuất hiện ở sân bay Bắc Kinh hồi năm 2007 - Ảnh: Kyodo/Reuters.<br>
Ông Kim Jong Nam trong một lần xuất hiện ở sân bay Bắc Kinh hồi năm 2007 - Ảnh: Kyodo/Reuters.<br>
Ba người Triều Tiên bị cảnh sát Malaysia tìm kiếm do bị tình nghi có liên quan đến cái chết của ông Kim Jong Nam đã về nước vào ngày 31/3 cùng với thi thể của người đàn ông được cho là Kim Jong Nam, sau khi Malaysia nhất trí một thỏa thuận trao đổi với Bình Nhưỡng.

Hãng tin Reuters cho biết, cảnh sát Malaysia đã lấy lời khai của ba người Triều Tiên nói trên trước khi họ được phép rời khỏi Malaysia.

“Chúng tôi đã thu thập được những gì mà chúng tôi muốn từ họ… Họ đã hỗ trợ chúng tôi và họ đã được phép rời đi”, cảnh sát trưởng Khalid Abu Bakar nói tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur. Ông Khalid cho biết không có cơ sở để bắt giữ những người Triều Tiên này.

Người anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã bị giết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào hôm 13/2. Cảnh sát nói giám định pháp y cho thấy ông Kim Jong Nam bị giết bởi VX, một chất độc thần kinh đã bị Liên hiệp quốc liệt vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói thi thể của một công dân Triều Tiên bị giết ở Malaysia đã được trao trả cho Triều Tiên thông qua Bắc Kinh cùng với các công dân Triều Tiên “có liên quan”.

Nhà chức trách Malaysia trao trả thi thể của ông này vào ngày 30/3 theo một thỏa thuận mà đổi lại, Triều Tiên thả tự do cho 9 công dân Malaysia ở Bình Nhưỡng. Thỏa thuận này phá vỡ thế bế tắc ngoại giao kéo dài suốt 7 tuần trước đó giữa hai nước xung quanh cái chết của ông Kim Jong Nam.

Hình ảnh do truyền thông Nhật Bản công bố ngày 31/3 cho thấy Hyon Kwang Song, bí thư thứ hai tại đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur và Kim Uk il, một nhân viên của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Koryo Air có mặt trên chuyến bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.

Cảnh sát trưởng Khalid xác nhận đi cùng với ông Hyon và ông Kim còn có một người Triều Tiên khác là Ri Ji U.

Cơ quan công tố Malaysia đã buộc tội hai nữ nghi phạm, bao gồm một người Indonesia và công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, giết ông Kim Jong Nam. Tuy nhiên, hai người này chưa bị đưa ra xét xử.

Việc Malaysia giữ thi thể của ông Kim Jong Nam và cho rằng Triều Tiên đứng sau cái chết của ông này đã khiến Bình Nhưỡng nổi giận. Đầu tháng này, Triều Tiên đã cấm người Malaysia ở Triều Tiên ra khỏi nước này, khiến ba nhà ngoại giao cùng 6 người thân của họ, trong đó có 4 trẻ em, bị mắc kẹt ở Bình Nhưỡng.

Malaysia đáp trả bằng một lệnh cấm tương tự. Tuy nhiên, nước này không có nhiều lựa chọn ngoài việc chấp nhận yêu cầu của Triều Tiên về trao trả thi thể ông Kim Jong Nam và cho phép ba công dân Triều Tiên bị tình nghi liên quan đến vụ việc được về nước.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người hiện đang có chuyến thăm chính thức Ấn Độ, ra một tuyên bố về việc trao trả thi thể ông Kim Jong Nam, nhưng không đề cập đến tên người chết.

“Sau khi hoàn tất khám nghiệm tử thi và nhận được một lá thư từ gia đình của người chết đề nghị trao trả thi thể cho Triều Tiên, chúng tôi đã nhất trí trao trả thi thể”, ông Najib nói trong tuyên bố. Ông Najib cũng nói thêm rằng cuộc điều tra về cái chết của ông Kim Jong Nam sẽ tiếp tục, nhưng lệnh cấm xuất cảnh đối với người Triều Tiên ở Malaysia đã được dỡ bỏ.

Triều Tiên vẫn nói rằng người đàn ông bị giết không phải là Kim Jong Nam mà là Kim Chol, theo tên trên hộ chiếu được tìm thấy với người chết.

Tuy nhiên, theo xét nghiệm AND, cảnh sát Malaysia kết luận người chết là ông Kim Jong Nam. Ông Khalid nói chính đại sứ quán Triều Tiên lúc đầu đã xác nhận người chết là ông Kim Jong Nam, nhưng ngay sau đó lại thay đổi.

Ngày 30/3, Triều Tiên nói đã đạt thỏa thuận với Malaysia về “giải quyết vấn đề xung quanh cái chết của một công dân Triều Tiên”.

“Rõ ràng đây là một chiến thắng đối với Triều Tiên”, ông Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Đại học Kookmin ở Seoul nói về thỏa thuận trên. “Tôi cho rằng Malaysia đã quyết định không dính líu quá sâu vào các vấn đề Triều Tiên, và họ cũng muốn công dân của họ được phóng thích”.

Tuy nhiên, vụ việc có thể khiến Triều Tiên mất đi một trong số ít những quốc gia có quan hệ thân thiện với nước này. “Tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ rơi vào lạnh giá trong một thời gian rất dài”, ông Dennis Ignatius, một nhà cựu ngoại giao Malaysia, nhận định.