23:46 14/03/2011

Vụ nổ thứ 4 tại nhà máy điện hạt nhân của Nhật

Hồng Ngọc

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano vừa xác nhận, lò 4 nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã phát nổ khí hydro

Lò phản ứng số 1 nhà máy điện hạt nhân Fukushima trước và sau khi phát nổ - Ảnh: AP.
Lò phản ứng số 1 nhà máy điện hạt nhân Fukushima trước và sau khi phát nổ - Ảnh: AP.
Đài Truyền hình Nhật Bản (NHK) vừa dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho hay, lò phản ứng số 4 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã phát nổ khí hydro, do phát sinh áp lực lên thành lò giống như với lò 1 và 3.

Theo ông Yukio Edano, sau trận động đất, bộ phận làm mát ở lò 4 bị hỏng, các thanh nhiên liệu nóng chảy phát sinh khí hydro, tăng áp lực lên thành lò. Trước khi phát nổ, lò phản ứng số 4 đã bốc cháy dữ dội, khả năng là do vụ nổ đầu giờ sáng của lò số 2.

Trước đó, vào lúc 6h10 sáng 15/3 (4h10 theo giờ Việt Nam), lò phản ứng số 2 cũng thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã phát nổ, Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản cho hay.

Theo Công ty điện lực Tokyo cho hay, vụ nổ tại lò số 2 xảy ra gần bể cao áp, bộ phận thuộc vỏ ngoài lò phản ứng. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yukio Edano, tuyên bố, đáy của vỏ chứa nước làm mát lò phản ứng đã xuất hiện hư hại.

“Nhưng chúng tôi vẫn chưa ghi nhận bất kỳ sự gia tăng đột ngột nào trong thiết bị đo phóng xạ”, ông Edano nói thêm trong cuộc họp báo sáng nay.

Trước đó, theo thông báo do Công ty điện lực Tokyo phát đi tối qua (14/3), lượng nước làm mát trong lò phản ứng số 2 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã tụt xuống mức thấp nhất, có nguy cơ để lộ toàn bộ thanh nhiên liệu hạt nhân trong bể cao áp ra ngoài.

Đài Truyền hình Nhật Bản (NHK) cho biết, việc các thanh nhiên liệu hạt nhân bị lộ ra ngoài cũng đồng nghĩa với việc nhiệt lượng trong lò tăng cao, gây áp lực lên thành lò và nguy cơ phát nổ là rất cao.

Công ty điện lực Tokyo đã thực hiện việc bơm nước biển vào làm mát lò, nhưng do chỉ có duy nhất một trong năm máy bơm hoạt động nên lượng nước trong lò này đã giảm mạnh. Các máy bơm kia được cho là đã hư hỏng sau vụ nổ tại khu vực lò phản ứng số 3.

Hệ thống làm mát ngừng hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn tới vụ nổ tại khu vực lò phản ứng số 1 và số 3, thổi bay các mảng tường và nóc nhà bao quanh 2 lò phản ứng. 

Công ty điện lực Tokyo cho biết, họ đang xem xét khả năng đục một lỗ hổng tại tòa nhà bao quanh lò phản ứng số 2 nhằm giải thoát bớt khí hydro, tránh gây nổ như 2 trường hợp trước. Công ty này cũng khẳng định ưu tiên sử dụng máy bơm duy nhất vào việc làm mát lò phản ứng số 2, mặc dù cả 2 lò số 1 và 3 vẫn cần được làm mát.

Cũng theo công ty này, nồng độ phóng xạ đo được bằng máy đo bức xạ vào lúc 22h07 ngày 14/3 (20h07 theo giờ Việt Nam) ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 2 đã bất ngờ tăng lên gấp 260 lần bình thường, lên chỉ số 9,4 microsievert. Giới chuyên gia cho rằng có thể do ảnh hưởng bức xạ từ lò số 2 của nhà máy số 1.

Ngoài ra, Công ty điện lực Tokyo còn cho biết, vụ nổ tại khu vực lò phản ứng số 3 sáng 14/3 đã làm bị thương 11 người, nhưng không gây hư hỏng lò. Chính phủ Nhật Bản cho biết, mức phóng xạ không tăng lên và bác bỏ khả năng rò rỉ khối lượng lớn phóng xạ sau vụ nổ.

Trong lúc các công nhân tại Fukushima đang ra sức ngăn chặn nguy cơ rò rỉ phóng xạ, thì các máy bay trực thăng và hàng đoàn xe cứu trợ tiếp tục tiến về những khu vực bị tác động mạnh nhất bởi cơn địa chấn và sóng thần hôm 11/3.

Trận động đất 9 độ richter kèm theo sóng thần hôm 11/3 đã xóa sổ nhiều khu dân cư, biến một dải dài bờ biển phía đông bắc Nhật Bản thành bãi bùn lầy, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và đẩy hàng triệu người dân khác rơi vào cảnh thiếu điện và nước.

Theo Cơ quan An ninh quốc gia, thống kê chính thức cho thấy số người chết đã lên đến 1.823 và khoảng 2.369 người khác bị mất tích. Nhưng theo phát ngôn viên của cảnh sát tỉnh Miyagi, động đất và sóng thần tràn qua khu vực này có khả năng đã giết hại 10.000 người dân ở nơi đây.

Đầu giờ sáng 14/3, hãng thông tấn Kyodo cho hay, khoảng 1.000 thi thể được tìm thấy trên bờ biển Ojika Peninsula, còn 1.000 thi thể khác trôi dạt vào bờ biển của thị trấn Minamisanriku, tỉnh Miyagi. Hiện tại, lực lượng cứu hộ đang tiếp tục đào bới tìm người bị nạn trong đống đổ nát. Con số người bị chết, thương vong dự tính sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản hôm 14/3 đã sụt hơn 6%, mạnh nhất kể từ tháng 12/2008 tới nay. Ngân hàng trung ương nước này đã bơm một lượng tiền kỷ lục, 15.000 tỷ Yên vào nền kinh tế, sau khi Thủ tướng Naoto Kan nói rằng, Nhật Bản đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Nhật Bản, Kaoru Yosano, nói rằng "thiệt hại kinh tế có thể vượt quá con số 20.000 tỷ Yên trong vụ động đất ở Kobe" năm 1995. Chính phủ hiện còn khoảng 1.300 tỷ Yên từ ngân sách năm nay có thể lấy ra để chi cho việc cứu trợ, ông Yosano cho biết thêm.

Chính phủ Nhật Bản đã cử 100.000 binh sỹ thuộc Lực lượng Phòng vệ tới các vùng xung quanh thành phố Sendai để tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân. Khoảng 190 phi cơ và 45 tàu thuyền đã được triển khai để vận chuyển những người bị thương và cung cấp đồ cứu trợ. Hàng chục quốc gia trên thế giới đã cam kết giúp đỡ Nhật Bản vượt qua cơn đại nạn này.