08:43 14/03/2011

Ác mộng lớn nhất của nước Nhật sau Thế chiến 2

Hồng Ngọc

Nhiều quốc gia đã cảnh báo công dân tránh các chuyến đi không cần thiết đến Nhật Bản trong thời gian này

Nhật Bản đang đối mặt với khó khăn lớn nhất từ sau Thế chiến 2 - Ảnh: Boston.
Nhật Bản đang đối mặt với khó khăn lớn nhất từ sau Thế chiến 2 - Ảnh: Boston.
Nhật Bản đang gặp khó khăn lớn nhất kể từ Thế chiến 2, Thủ tướng Naoto Kan cho biết hôm qua (13/3). Trong phát biểu trên truyền hình, ông Kan cũng cảnh báo sẽ xảy ra tình trạng mất điện hàng loạt trong thời gian tới.

Hôm qua, nhiều quốc gia đã cảnh báo công dân tránh các chuyến đi không cần thiết đến Nhật Bản trong thời gian này, do nguy cơ khủng hoảng hạt nhân. Trong số các nước đưa ra cảnh báo trên có Mỹ, Anh, Pháp, Đức.

Trong khi đó, theo hãng tin BBC dẫn nguồn tin cảnh sát Nhật Bản, số người chết vì sóng thần ở riêng tỉnh Miyagi đã có thể quá con số 10.000. Hàng triệu người sống sót đang chịu cảnh mất điện trong lúc chính phủ đẩy mạnh công tác cứu hộ. Khoảng 310.000 người đã được sơ tán tới những khu ở tạm.

Các quan chức Nhật nói số binh lính được điều động tới trợ giúp công tác cứu hộ ở vùng đông bắc tăng gấp đôi lên 100.000. Tuy nhiên, hiện một số tàu và máy bay cứu hộ đang gặp khó khăn khi tiếp cận những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất ở vùng đông bắc.

Thủ tướng Nhật Bản nói trên truyền hình: "Tình hình động đất, sóng thần và các nhà máy điện hạt nhân là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 65 năm qua kể từ Thế chiến 2".

"Việc người Nhật chúng ta có vượt qua được cuộc khủng hoảng này không phụ thuộc vào mỗi chúng ta", ông nói. "Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta có thể vượt qua được trận động đất ghê gớm và sóng thần này bằng cách liên kết lại".

Thủ tướng Naoto Kan cho hay, nguồn cung điện đang khá hạn chế do nhà máy Fukushima và một số nhà máy điện hạt nhân khác bị đóng cửa. Kể từ ngày 14/3, tình trạng cắt điện luân phiên sẽ xảy ra và điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước, khí đốt và một số cơ sở y tế.

Phát biểu sau ông Kan, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano nói, cố gắng để làm mát lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima chưa có kết quả rõ ràng, trong khi các chuyên gia kỹ thuật đang dùng hơi nước để làm mát lò phản ứng số 1. Hệ thống làm mát của cả hai lò phản ứng này tại nhà máy đã bị động đất phá hỏng.

Khoảng 170.000 người sống trong phạm vị 20 km quanh nhà máy đã phải sơ tán. Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản đánh giá tình hình ở Fukushima hiện ở mức 4 trong 7 mức sự cố phóng xạ và hạt nhân quốc tế.

Ông Edano cho biết, ít nhất 210.000 người quanh nhà máy này đã phải sơ tán vì sợ bị nhiễm phóng xạ lan từ các nhà máy điện hạt nhân bị hư hoại. Theo hãng thông tấn Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng bán kính sơ tán từ 10 km ban đầu lên 20km quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Các giới chức xác nhận hàng chục người có thể đã bị tiếp xúc với phóng xạ trong lúc được di tản khỏi thị trấn Futabe gần một trong những nhà máy bị hư hoại. Những người này và hàng trăm người khác đang được xét nghiệm xem có bị tiếp xúc với phóng xạ hay không.

Đêm qua 13/3, hướng gió tại các tổ hợp hạt nhân của Nhật đã chuyển từ nam sang tây, thổi chất phóng xạ bị rò rỉ ra biển. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật, hôm nay, hướng gió tại khu vực này sẽ chuyển dần từ tây nam sang tây bắc với tốc độ 2-3 m/giây. Với tốc độ như vậy, hướng gió sẽ dễ dàng thay đổi. Điều này sẽ là mối quan tâm lớn cho các nước lân cận với Nhật.

Các nước trên thế giới cũng đã cử những đội cứu hộ tới Nhật Bản sau khi chính phủ của ông Naoto Kan kêu gọi giúp đỡ. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã nhận được đề nghị giúp đỡ từ 69 quốc gia. Hôm qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả do trận động đất và sóng thần gây ra.

* Các mức ô nhiễm hạt nhân:

Mức 7 - Ô nhiễm phóng xạ lớn như trong vụ Chernobyl, Ukraine, 1986

Mức 6 - Ô nhiễm đáng kể, chẳng hạn vụ Kyshtum, Nga, 1957

Mức 5 - Ô nhiễm phóng xạ hạn chế - Three Mile Island, Hoa Kỳ 1979 và Windscale, Anh, 1957

Mức 4 - Ô nhiễm phóng xạ không đáng kể với ít nhất một người chết - Tokaimura, Nhật, 1999

Mức 3 - Mức ô nhiễm phóng xạ gấp 10 lần luật định cho phép đối với công nhân làm việc tại cơ sở hạt nhân

Mức 2 - Mức ô nhiễm phóng xạ đối với công chúng vượt quá 10mSv (mức trung bình hàng năm là 1mSv)

Mức 1 - Mức ô nhiễm phóng xạ trên hạn mức luật pháp cho phép. Các vấn đề an toàn ở mức nhỏ.