17:22 07/09/2022

Vừa điều chỉnh room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh giá bán USD

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đãng ở trạng thái căng cứng do lượng lớn VND bị hút về thông qua hoạt động bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Giờ đây thanh khoản càng gặp khó khi room tín dụng mới vừa được phát...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chiều ngày 7/9, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biểu niêm yết giá bán USD giao ngay từ 23.400 VND lên mức 23.700 VND. Đồng thời, cơ quan này cũng ngừng niêm yết tỷ giá mua can thiệp.

Theo giới chuyên môn đánh giá, hành động trên của nhà điều hành tiền tệ không bất ngờ và phù hợp với thời điểm hiện tại bởi 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, mặc dù đồng VND đã có một số thông tin tích cực trong tuần trước liên quan đến nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư tới 2,4 tỷ USD) nhưng diễn biến tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực từ xu hướng mạnh lên của đồng USD quốc tế.

Theo đó, quyết định nâng mạnh giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu mang tính phòng thủ cho các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp tới.

Được biết, do áp lực tỷ giá tăng cao, trong một quãng thời gian dài gần đây, các thành viên trên thị trường liên ngân hàng phải giao dịch với nhau ở mức giá cao hơn nhiều so với giá bình ổn USD mà Ngân hàng Nhà nước bán.

Điển hình, tại phiên 6/9, nếu giá bán USD giao ngay của Ngân hàng Nhà nước là 23.400 VND thì tỷ giá giữa giao dịch giữa các thành viên lên tới 23.545 VND, tức cao hơn 145 VND mỗi USD.

Tất nhiên, sẽ có câu hỏi cho rằng tại sao các ngân hàng không tiếp cận nguồn USD giá rẻ từ Ngân hàng Nhà nước mà phải mua giá cao từ các thành viên khác? Đó chủ yếu là do với vai trò người mua bán cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước chỉ xem xét bán cho ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm. Đồng thời, ngân hàng muốn mua cũng phải đăng ký trước. Các ngân hàng chưa kịp đăng ký buộc phải mua ở thị trường, tức từ doanh nghiệp hay từ ngân hàng khác. Điều này đã kéo tỷ giá liên ngân hàng cao hơn mức bán bình ổn của Ngân hàng Nhà nước.

Vừa điều chỉnh room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh giá bán USD - Ảnh 1

Thứ hai, vừa qua room tín dụng năm 2022 đã chính thức được điều chỉnh cho các ngân hàng có đơn đề nghị. Với việc được nới room, hoạt động giải ngân tín dụng ùn ứ lâu nay sẽ được khơi thông trở lại và tiền tiếp tục chảy ra thị trường.

Trong khi đó, thanh khoản hệ ngân hàng vốn đang ở trạng thái khá căng thẳng. Thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng dựng đứng. Chỉ trong khoảng hơn chục phiên giao dịch, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ mức 1,99%/năm (16/8), đến nay (7/9) đã chạm 6,48%/năm.

Điều đáng nói, thanh khoản hệ thống căng do một lượng lớn VND bị hút về thông qua hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, việc nâng giá bán USD cũng đồng nghĩa tạm thời VND không bị hút về. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước có thêm thời gian điều chỉnh chính sách tiền tệ, đồng thời thị trường bình ổn trở lại sau đợt điều chỉnh room tín dụng vừa qua.

Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng dựng đứng. Nguồn: Wichart
Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng dựng đứng. Nguồn: Wichart

Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận rằng Ngân hàng Nhà nước đang miệt mài “cân” tỷ giá. Khi sức ép lớn và không can thiệp tại vùng cũ nữa thì cần tăng để tạo điểm cân bằng mới. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đã quá cao khiến nhà điều hành không thể bán lượng lớn USD tại vùng giá cũ.

Điểm tựa cho hành động của Ngân hàng Nhà nước có thể nói đến là việc đã giữ được tỷ giá một thời gian và những điều kiện mới phát triển có thể chấp nhận được cho việc tăng tỷ giá như lạm phát tương đối ổn, giá dầu có dấu hiệu chững lại...

"Thời gian qua, để hỗ trợ tỷ giá và đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước vừa bán giao ngay một lượng vừa phải (có điều kiện chặt chẽ), vừa thông qua bán kỳ hạn. Thêm vào đó, cơ quan này còn hút ròng lượng lớn VND trên thị trường mở, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao. Các hoạt động này đều khiến thanh khoản căng thẳng. Giờ đây, nếu muốn hạ lãi suất thì phải bơm tiền, nhưng ảnh hưởng đến tỷ giá. Trái lại, hút tiền về để hỗ trợ tỷ giá thì ảnh hưởng thanh khoản, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới, đồng thời gây sức ép lên thị trường 1. Do đó, dung hoà mọi yếu tố, việc nâng giá bán USD là bước khởi đầu hợp lý cho con đường dài phía trước", vị chuyên gia này nói.