13:50 15/09/2023

Vùng xám của tăng trưởng xanh

PGS. TS. Võ Đình Trí *

Tăng trưởng xanh đang là chủ đề được quan tâm không chỉ ở các nền kinh tế đã phát triển mà còn ở những quốc gia như Việt Nam. Những lợi ích và triển vọng tươi sáng của đầu tư xanh, chuyển đổi xanh, ESG (công bố thông tin về Môi trường, Xã hội và Quản trị) được truyền thông nhiều, trong khi đó những vùng xám vẫn còn nhiều hạn chế...

Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh.
Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh.

Với mục tiêu hướng đến năm 2050 phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero), theo ước tính của các Chính phủ và Ngân hàng Trung ương, phải cần đến 9.200 tỷ USD cho các khoản đầu tư xanh, nhưng câu hỏi “tiền từ đâu?” thì hay bị lảng tránh.

Một ví dụ dễ thấy là từ năm 2009, mục tiêu cung cấp nguồn tài chính cho biến đổi khí hậu là 100 tỷ USD/năm của các nước giàu có đã không đạt được và sẽ bị bãi bỏ vào năm 2025.

CÁI GIÁ CỦA CHUYỂN ĐỔI XANH

Việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là một yêu cầu khó và thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển bởi các hạ tầng xanh chưa có, tỷ trọng của GDP dùng cho đầu tư xanh sẽ phải cao hơn các nước đã phát triển. Một báo cáo của London School of Economics và Brookings Institution cho biết đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu ít nhất phải 2% GDP mỗi năm và phải nhiều hơn ở các nước có thu nhập thấp.

 
PGS. TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School, AVSE Global.
PGS. TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School, AVSE Global.

"Tăng trưởng xanh, đầu tư xanh đang là xu hướng ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam với nhiều hứa hẹn. Một ước tính cho thấy đóng góp của kinh tế xanh vào GDP của Việt Nam đến năm 2050 là 300 tỷ USD. Tuy vậy, chính phủ, doanh nghiệp, và nhà đầu tư cần có thêm góc nhìn và tỉnh táo trước sự lung linh của xu hướng này.

Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là mong muốn và trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan nhưng Chính phủ và doanh nghiệp nên tính toán cẩn trọng lợi ích/chi phí, nguồn lực của mình. Vì nếu không, sẽ vô tình rơi vào các “cái bẫy” nợ nần, bị mất đi cơ hội phát triển".

Cắt giảm khí thải đối với các nền kinh tế đang phát triển còn đặt những quốc gia này vào tình huống khó xử: giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch hoặc có những công cụ điều chỉnh như thuế carbon. Thế nhưng cả hai lựa chọn đều có thể làm gia tăng chi phí sinh hoạt của người dân, tăng chi phí sản xuất và từ đó làm giảm tính cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, sức ép chuyển đổi sang năng lượng xanh đồng nghĩa với việc đóng cửa nhiều nhà máy phát điện sử dụng than trong khi chỉ mới sử dụng được một phần vòng đời của nhà máy. Trung bình các nhà máy điện than ở Mỹ hay EU có thâm niên sử dụng 30-40 năm thì các nhà máy ở các nước ASEAN+3 chỉ mới khoảng hơn 10 năm. Xét về hiệu quả khai thác và khấu hao, phần thiệt thòi thuộc về các nước đang phát triển. Thêm vào đó, sự chuyển đổi cũng sẽ có những tác động về kinh tế - xã hội của người dân trong vùng, nhất là việc làm.  

ESG KHÔNG CHỈ CÓ MÀU HỒNG

Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh thì sự quan tâm đến ESG, đầu tư xanh, cũng đã được lan truyền từ các thị trường đã phát triển sang các thị trường mới nổi. Các doanh nghiệp quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào ESG để thu hút các dòng vốn đầu tư ưu tiên cho ESG.

Thế nhưng sự thiếu minh bạch về phương pháp đánh giá, thiếu các tiêu chuẩn được thống nhất chung giữa các tổ chức xếp hạng ESG đã khiến cho thị trường ngày càng có nhiều hoài nghi về kết quả đánh giá. Điều này ảnh hưởng đến việc ra quyết định của nhà đầu tư vì việc định giá các loại cổ phiếu, trái phiếu bị nhiễu đáng quan ngại. Một khảo sát mới đây của Bloomberg cho thấy 55% các nhà đầu tư có gắn với ESG bi quan về hiệu quả đầu tư của các quỹ ESG so với thị trường và phần lớn cho rằng ESG là một trào lưu nhất thời.

Khi tổ chức MSCI quyết định cập nhật phương pháp đánh giá, điểm số ESG của 31.000 quỹ đầu tư lập tức bị ảnh hưởng. Các tổ chức xếp hạng ESG hiện nay vẫn dựa trên cách tiếp cận ảnh hưởng của các thay đổi đến lợi nhuận của các doanh nghiệp (single materiality) chứ không có ngược lại. Rất nhiều quỹ đầu tư được xếp vào ESG và có điểm số cao nhưng lại đầu tư rất nhiều vào các doanh nghiệp có liên quan đến nguyên liệu hóa thạch, thuốc lá, hay thậm chí sản xuất vũ khí.

Có những người cổ xúy cho ESG một cách cực đoan, coi ESG là cây đũa thần vừa tối đa lợi ích của các cổ đông (lợi nhuận của doanh nghiệp), vừa gia tăng các giá trị xã hội. Tuy nhiên trong thực tế, đến một lúc nào đó phải có sự đánh đổi và lựa chọn ưu tiên, hoặc phải theo hướng làm cho cái bánh to hơn để cho phần lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của xã hội cùng tăng.

Thêm vào đó, ngay trong E, S, G thì nội tại của các trụ cột này cũng không phải lúc nào bổ trợ cho nhau, mà có khi còn cản trở nhau. Thông thường, G là để phục vụ cho các cổ đông, hướng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, và ES là hướng đến các bên có liên quan như cộng đồng, nhân viên. Một doanh nghiệp khi tối ưu lợi nhuận thì có thể làm phương hại đến lợi ích của người lao động, phương hại môi trường qua việc không tuân thủ các yêu cầu về điều kiện làm việc hay bảo vệ môi trường.

TÌM ĐIỂM CÂN BẰNG HÀI HÒA

Một doanh nghiệp có thể tạo ra tác động tốt về môi trường như đóng cửa một nhà máy gây ô nhiễm nhưng lại tạo ra vấn đề xã hội khi người dân trong vùng mất việc làm, mất kế sinh nhai. Hay ngược lại, mở rộng một khu công nghiệp để tạo thêm việc làm nhưng lại phá vỡ cân bằng hệ sinh thái của một địa phương.

Ở góc độ doanh nghiệp, quá tập trung và đầu tư nhiều vào ESG cũng có thể ảnh hưởng đến việc tăng giá trị cũng như sự phát triển của doanh nghiệp. Vì nhiều yếu tố không phải ESG khác như chiến lược, năng suất, đổi mới sáng tạo, sử dụng vốn … có ảnh hưởng lớn đến giá trị của doanh nghiệp trong dài hạn.

Tăng trưởng xanh, đầu tư xanh đang là xu hướng ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam với nhiều hứa hẹn. Một ước tính cho thấy đóng góp của kinh tế xanh vào GDP của Việt Nam đến năm 2050 là 300 tỷ USD. Tuy vậy, chính phủ, doanh nghiệp, và nhà đầu tư cần có thêm góc nhìn và tỉnh táo trước sự lung linh của xu hướng này.

Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là mong muốn và trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan nhưng Chính phủ và doanh nghiệp nên tính toán cẩn trọng lợi ích/chi phí, nguồn lực của mình. Vì nếu không, sẽ vô tình rơi vào các “cái bẫy” nợ nần, bị mất đi cơ hội phát triển.

Còn đối với các nhà đầu tư, trong khi ESG vẫn chưa chứng minh được hiệu quả rõ ràng và các tổ chức xếp hạng ESG chưa thuyết phục được về phương pháp cũng như các tiêu chí đánh giá, thì cũng không nên tất tay (all-in) vào xu hướng này.

Rất khó để tìm ra điểm cân bằng tối ưu cho bài toán tăng trưởng xanh, nhưng với những cân nhắc và ưu tiên, một quyết định hài hòa của Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư là có thể có được.

(*) Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School, AVSE Global.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2023 phát hành ngày 11-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Vùng xám của tăng trưởng xanh - Ảnh 1