Vướng đủ thứ khi xây nhà ở cho công nhân
Trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu m2. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước…
Nhà ở cho công nhân là một trong 10 nhóm vấn đề bức thiết được người lao động kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ tại cuộc đối thoại vừa diễn ra hôm 12/6.
Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu m2 nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Đây là một hạn chế trong thời gian qua vẫn chưa thực hiện đạt mục tiêu đề ra của chương trình phát triển nhà ở cho công nhân.
Theo ông Sinh, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn, nhất là khi tốc độ phát triển kinh tế xã hội tại các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung vào một số nhóm vấn đề cụ thể, trong đó có công tác hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư, dành được quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân.
Theo các quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tại khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất trong quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ông Sinh cũng cho biết, các chính sách ưu đãi đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành rất nhiều ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, được miễn và giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà thương mại trong các dự án nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, chương trình này với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ, đối với nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng nằm trong chương trình này.
“Theo đó, có 2 nhóm chính sách được bổ sung, nhóm một là hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng Đây là quy mô rất lớn hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong thời gian tới. Nhóm 2 là gói giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất là 4,8%/năm. Với nhóm chính sách này, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin.
Là một trong những địa phương có nhu cầu nhà ở cho công nhân rất lớn, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, đối với các doanh nghiệp hiện nay, vấn đề vướng mắc nhất là quy định của Nghị định 100 quy định về vấn đề thuê, thuê lại nhà ở, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhưng người thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân.
"Nếu một doanh nghiệp có 10 ha, giải quyết khoảng 20.000 công nhân có nhà ở, mà doanh nghiệp ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20.000 hợp đồng. Cùng với đó là việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc trong vòng 6 tháng, 1 năm, di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện", ông Thái dẫn chứng.
Theo ông Thái, việc xác định giá để thuê hiện nay, hướng dẫn của các bộ, ngành cũng chưa cụ thể. Cùng đó, việc miễn giảm tiền thuê đất, Bắc Giang cũng như nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, thì sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong thực hiện triển khai nhà ở cho công nhân.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, vấn đề nhà ở cho công nhân luôn được tổ chức công đoàn đau đáu từ mấy năm nay, song trong quá trình thực hiện thì thấy rằng có nhiều điểm vướng.
Trước hết vướng tại Luật Đất đai, do quy định giao đất sạch có giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội nhưng sẽ phải đấu thầu nhưng giá đấu thầu như thế nào thì vướng Luật đất đai. Thứ hai là vướng về Luật Nhà ở. Thứ ba, hiện nay việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất khó, vì vậy rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như nhà nước vì vướng Luật Đầu tư công.
“Nhà ở hiện nay chỉ duy nhất Bộ Xây dựng được giao nhà công vụ, còn lại các loại hình nhà ở khác triển khai trong các khu doanh nghiệp, các tỉnh muốn đầu tư cũng không đầu tư được, các cơ quan bộ, ngành cũng không tham gia được. Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản còn liên quan đến việc vận hành tòa nhà sau khi xây dựng. Chúng tôi đã làm việc và bàn bạc với Bộ Xây dựng, sẽ báo báo Thủ tướng để trong thời gian tới sớm sửa đổi”, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.