Vượt qua thách thức, vươn tới tầm cao mới
Sau 44 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã đạt được bước tiến trong nhiều mặt nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức trên con đường vươn lên tầm cao mới
44 năm đã qua sau khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, Việt Nam đã có những bước tiến về nhiều mặt. Kỳ vọng Việt Nam sẽ vượt qua các mặt còn yếu kém và các thách thức để đạt được tầm cao mới.
Trong 44 năm qua, Việt Nam đã đạt thành tựu về nhiều mặt. Sau nhiều năm chiến tranh, hòa bình chưa được bao lâu đã phải chống đỡ 2 cuộc chiến tranh ở 2 đầu đất nước. Hòa bình được hơn 40 năm, nhưng vẫn chưa thể an hưởng hòa bình hoàn toàn khi những yếu kém "tự chuyển hóa" ở trong nước rất dễ cộng hưởng với sự xâm nhập với các mục đích khác nhau của nước ngoài đã cảnh báo cho đất nước không thể lơ là cảnh giác, rất dễ phụ thuộc, lệ thuộc nếu coi nhẹ nội lực, nghiêng quá về ngoại lực.
Bước tiến về nhiều mặt
Trong hơn 40 năm, Việt Nam đã gặp nhưng cũng đã vượt qua 4 cuộc khủng hoảng lớn. Cuộc khủng hoảng thứ nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội. Trong cuộc khủng hoảng này, nguồn tài chính tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng nổ trong những năm 80 của thế kỷ trước với nhiều đặc điểm nổi bật.
Tốc độ tăng trưởng thấp, có năm còn bị tăng trưởng âm, GDP bình quân đầu người tính theo USD theo tỷ giá hối đoái vào năm 1988 – đỉnh của cuộc khủng hoảng này - chỉ còn 86 USD, rơi vào nhóm mấy nước thấp nhất thế giới. Nền kinh tế rơi vào thiếu hụt lớn, phụ thuộc vào thiết bị, vật tư, hàng hóa tiêu dùng từ nước ngoài. Lạm phát "phi mã" với tốc độ tăng ở mức 2-3 chữ số.
Tỷ lệ thất nghiệp cao, trong đó có năm ở mức 2 chữ số. Tỷ lệ nghèo có năm chiếm trên một nửa dân số, tỷ lệ suy dinh dưỡng có năm chiếm gần một nửa trẻ em dưới 5 tuổi... Cuộc khủng hoảng này ngoài nguyên nhân do hậu quả chiến tranh, còn có nguyên nhân do cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp kéo dài.
Cuộc khủng hoảng thứ hai do cuộc khủng hoảng trong nước cộng hưởng với sự sụp đổ chế độ ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông u và Liên Xô cũ, đã làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội của Việt Nam kéo dài cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Cuộc khủng hoảng thứ ba là cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra vào năm 1997-1998 ở khu vực Đông Nam Á khi Việt Nam vừa mới gia nhập ASEAN, làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại, tăng trưởng của xuất khẩu thấp, của nhập khẩu cao, nhập siêu lớn, khách quốc tế đến Việt Nam giảm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này xảy ra ngắn, tác động không quá lớn, chủ yếu do đồng tiền chưa chuyển đổi, đất nước có "thùng gạo", "thùng dầu" lớn.
Cuộc khủng hoảng thứ tư là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trăm năm mới có xảy ra từ cuối năm 2008, khi Việt Nam vừa mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làm cho tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, lạm phát cao lên... Tuy Việt Nam không bị cuốn hút ngay lập tức vào vòng xoáy suy thoái, một mặt do đồng tiền chưa chuyển đổi, mặt khác do Việt Nam có tỷ trọng sản xuất thực lớn, nhưng bị tác động kéo dài hơn so với nhiều nước trên thế giới.
Vị thế Việt Nam có sự cải thiện tích cực về nhiều mặt. Thời gian tăng trưởng GDP liên tục tính từ năm 1981 đến năm 2019 đã đạt 39 năm, dài thứ 2 thế giới, chỉ sau kỷ lục 42 năm hiện do Trung Quốc nắm giữ. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức khá (bình quân 1 năm trong thời kỳ 1976 - 2019 tăng 6,01%, trong đó từ 2015 đến nay đã vượt qua mốc 6%, đặc biệt 2018 đã trở lại mức trên 7%, dự đoán 2019 tăng 6,8%).
GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của năm 1988 chỉ đạt 86 USD, nằm trong mấy nước có thu nhập thấp nhất thế giới, thì đến năm 2008 đã vượt qua mốc 1.100 USD, chuyển từ nhóm thu nhập thấp, sang nhóm có thu nhập trung bình (thấp); đến năm 2018 đạt 2.587 USD (nếu tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương đạt 7.345 USD), dự đoán năm 2019 đạt 2.786 USD, nếu tính theo PPP đạt 8.081 USD).
Đạt kết quả trên một mặt do tốc độ tăng GDP cao lên, mặt khác do tốc độ tăng dân số thấp xuống, mặt khác nữa do tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định. Lạm phát mấy năm nay ở mức dưới 4% được kiềm chế theo mục tiêu. Từ 3-4 năm nay, tăng trưởng xuất khẩu liên tục cao lên, góp phần làm cho tỷ lệ xuất khẩu/GDP lần đầu tiên đạt xấp xỉ 100%, tức là độ mở của nền kinh tế thuộc top 5 thế giới. Do quy mô và tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn nhập khẩu nên từ hơn 3 năm nay đã liên tiếp xuất siêu.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tính từ 1988 đến nay đạt trên 410 tỷ USD, thực hiện đạt gần 200 tỷ USD. Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ 1993 đến nay theo cam kết đạt khoảng 95 tỷ USD, thực hiện đạt khoảng gần 80 tỷ USD. Kiều hối tính từ 1993 đến nay đạt trên 150 tỷ USD, bằng 6,5% GDP, cao nhất từ Hoa Kỳ, tiếp đến là Australia, Canada, Đức, Pháp, Hàn Quốc...
Số khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, năm 2018 đã đạt gần 15,5 triệu lượt người, thu hút lượng ngoại tệ đạt gần 10,1 tỷ USD, khả năng năm 2019 đạt cao hơn. Do lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn trên tăng; tâm lý găm giữ ngoại tệ của dân cư giảm, nên dự trữ ngoại hối tăng mạnh từ mấy năm nay đã đạt kỷ lục mới ngang với ranh giới an toàn tài chính quốc gia theo thông lệ quốc tế (tương đương 3 tháng nhập khẩu).
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở mức thấp. Tỷ lệ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016, tỷ lệ nghèo đa chiều còn ở mức dưới 8%. Thứ bậc về chỉ số phát triển con người cao hơn nhiều so với thứ bậc về chỉ số về thu nhập, cao hơn thứ bậc của những nước và vùng lãnh thổ có GDP bình quân đầu người cao hơn của Việt Nam có một phần quan trọng do chỉ số về tuổi thọ cao hơn và chỉ số về giáo dục năm 2018, 2019 đạt khá hơn, do nhiều chỉ tiêu về y tế, giáo dục năm 2018 cao hơn nhiều so với năm 1976.
Thách thức để đạt tầm cao mới
Những thách thức tới đây xuất phát từ những yếu tố trên thế giới và những yếu tố trong nước.
Trên thế giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sau 1 năm xảy ra đã tác động đến kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam - một nước có độ mở lớn, bởi cả 2 nước này đều là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hơn nữa, đây không chỉ là chiến tranh thương mại, mà còn là cuộc chiến tranh lạnh mới khác với cuộc chiến tranh lạnh trước đây.
Tăng trưởng kinh tế thế giới bị chậm lại, mặc dù Mỹ và nhiều nước đã trở lại nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng đã xuất hiện dự báo về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng chu kỳ (10 năm 1 lần), kéo theo một số hệ lụy về tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu, lạm phát, thất nghiệp, thị trường tài chính...
Ở trong nước, tăng trưởng tuy có tốc độ khá, nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp. Hiệu quả đầu tư, mức năng suất lao động còn thấp, tăng trưởng kinh tế phần lớn dựa vào yếu tố vốn (trong đó có vốn vay với mức trả nợ hàng năm cao); vào đầu tư nước ngoài (chiếm trên 20% lượng vốn đầu tư, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu...); vào lực lượng lao động đông đảo, giá rẻ...
Tính gia công, lắp ráp của nền kinh tế nói chung, của công nghiệp nói riêng và ngay cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn lớn, vừa có thực thu thấp, vừa phụ thuộc vào nhập khẩu. Cổ phần hóa và thoái vốn khu vực doanh nghiệp nhà nước chậm; khu vực doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé và lớn lên chậm... (sau mấy chục năm kinh tế tư nhân mới chiếm 8% GDP).
Thách thức tới đây có nhiều, nổi lên và tương đối lâu dài là những thách thức đã được đề cập nhiều, như nguy cơ tụt hậu xa hơn, hay chưa giàu đã già, sập bẫy thu nhập trung bình...
Với mục tiêu đến năm 2035 - tức là 60 năm sau khi giang sơn thu về một mối và 25 năm sau khi chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) - Việt Nam sẽ chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Kỳ vọng và cũng là khát vọng này là khả năng, nhưng muốn biến khả năng này thành hiện thực thì cần đổi mới lần 2 với mức độ sâu, rộng hơn đổi mới lần 1.