WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhờ lạc quan về Mỹ
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 11/6 cho biết đà tăng trưởng mạnh hơn dự báo của nền kinh tế Mỹ đã khiến định chế này nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024...
Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ còn thấp hơn mức trước đại dịch cho tới hết năm 2026.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects) mới nhất, WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ ổn định ở mức 2,6%, bằng với mức tăng của năm 2023. Trước đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm trong năm 2022 và 2023, sau khi bật tăng mạnh mẽ vào năm 2021 hậu cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra vào năm 2020.
CẢNH BÁO LÃI SUẤT CAO HƠN LÂU HƠN
Dự báo cập nhật cho thấy mức tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo mà WB đưa ra hồi tháng 1. Sự điều chỉnh tăng này chủ yếu do sức mạnh của nhu cầu trong nền kinh tế Mỹ.
“Có thể nói, chúng ta đã nhìn thấy đường băng cho một cuộc hạ cánh mềm”, Phó trưởng kinh tế của WB, ông Ayhan Kose, nhận định với hãng tin Reuters. Ông lưu ý rằng lãi suất tăng mạnh đã kéo lạm phát xuống mà không gây thiệt hại lớn về công ăn việc làm hay gây ra những gián đoạn khác ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.
“Đó là một tin tốt. Tin không tốt là chúng ta có thể bị mắc kẹt ở một làn đi chậm”, vị chuyên gia nói thêm.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức tăng hàng năm 2,7% trong cả năm 2025 và 2026, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân hàng năm 3,1% của thập kỷ trước Covid. Định chế này cũng dự báo lãi suất trên thế giới trong 3 năm tới vẫn sẽ cao gấp đôi so với mức bình quân của giai đoạn 2009-2019, đặt ra trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế và gia tăng sức ép nợ nần đối với các nền kinh tế mới nổi vay nợ nhiều bằng đồng USD.
Theo báo cáo của WB, Các quốc gia chiếm 80% dân số và sản lượng GDP của thế giới sẽ chứng kiến mức tăng trưởng yếu hơn trong năm 2026 so với kết quả có được trước đại dịch.
“Triển vọng của các nền kinh tế nghèo nhất thế giới thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Các nước này đối mặt với tiền lãi nợ chồng chất, khả năng thương mại eo hẹp và các sự kiện khí hậu cực đoan gây nhiều tổn thất”, nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB phát biểu, nói thêm rằng các nước này sẽ cần thêm hỗ trợ quốc tế để có thể trang trải các nhu cầu.
Báo cáo của WB tính đến kịch bản lãi suất giữ cao hơn lâu hơn, trong đó lạm phát dai dẳng ở các nền kinh tế phát triển sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với kịch bản dự báo chính của WB. Trong trường hợp như vậy, WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 xuống còn 2,4%.
Các số liệu thống kê cho thấy nhu cầu mạnh và lạm phát còn cao ở Mỹ đã khiến giới chuyên gia lùi kỳ vọng về thời điểm Fed có thể cắt giảm lãi suất. Năm nay cũng là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế Mỹ đi ngược lại các dự báo suy thoái, WB nhấn mạnh. Báo cáo nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm nay, bằng với mức tăng của năm ngoái và tăng mạnh so với mức dự báo tăng 1,6% đưa ra hồi tháng 1.
DỰ BÁO VỀ CÁC NỀN KINH TẾ LỚN
Theo ông Kose, việc nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đóng góp 80% vào mức tăng của dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với triển vọng mà WB đưa ra hồi tháng 1.
Trong báo cáo mới nhất, WB cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 lên 4,8% từ 4,5% đưa ra hồi tháng 1, chủ yếu do xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh giúp bù đắp sự suy yếu của nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, WB dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thé giới chỉ tăng trưởng 4,1% trong năm 2025 do đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng đều yếu, cộng thêm cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết.
Đối với Ấn Độ, WB nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 lên 6,6% từ 6,4% đưa ra hồi tháng 1, trên cơ sở nhu cầu trong nước mạnh.
Về kinh tế Nhật bản, WB hạ dự báo tăng trưởng năm nay còn 0,7% từ 0,8% do tăng trưởng tiêu dùng yếu, xuất khẩu chậm lại, và nhu cầu của du khách ổn định. Đối với eurozone, WB dự báo mức tăng trưởng 0,7% trong năm nay, không thay đổi so với lần dự báo trước, do khu vực này tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn gồm giá năng lượng cao và sản lượng công nghiệp còn yếu.
Ngoài kịch bản lãi suất cao hơn lâu hơn, WB nhận định các rủi ro suy giảm tăng trưởng lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu bao gồm ảnh hưởng lan rộng từ các cuộc xung đột vũ trang ở Gaza và Ukraine.
Một cuộc chiến rộng hơn ở Trung Đông có thể gây thêm gián đoạn trong hoạt động vận tải, đồng thời đẩy giá dầu và lạm phát leo thang. Tương tự như vậy, cuộc chiến tranh giữa Nga vào Ukraine cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu lửa và ngũ cốc - theo WB.
Việc gia tăng các hạn chế thương mại do cạnh tranh địa chính trị cũng có thể cản trở sự phục hồi của tăng trưởng thương mại toàn cầu, sau khi mức tăng chỉ đạt vỏn vẹn 0,1% vào năm ngoái. WB dự báo năm nay, thương mại toàn cầu sẽ đạt mức tăng 2,5% vào năm 2024, so với mức dự báo tăng 2,3% đưa ra trong dự báo tháng 1.
Tuy nhiên, WB cho rằng chủ nghĩa bảo hộ và các chính sách công nghiệp đang gia tăng ở nhiều nước có thể dẫn đến suy giảm hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm đầu tư vào các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Cũng theo WB, nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc sâu hơn, điều đó sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước xuất khẩu hàng hóa thô và các nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào thương mại.
Ở một góc nhìn lạc quan, WB cho biết kinh tế Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng vượt kỳ vọng, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu ngay cả khi lạm phát giảm, nếu năng suất lao động cao và nguồn cung lao động tăng nhờ dòng người nhập cư ở Mỹ tiếp tục duy trì. Báo cáo của WB cũng nói rằng, lạm phát giảm xuống trên toàn cầu - nhờ năng suất lao động tăng, chuỗi cung ứng được cải thiện và giá hàng cơ bản hóa giảm - có thể dẫn tới việc các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất nhanh hơn dự kiến, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.