18:01 11/06/2024

Nhà giàu Mỹ khiến Fed khó hạ lãi suất

Bình Minh

Lạm phát ở Mỹ có thể sẽ dai dẳng ở lĩnh vực dịch vụ, khi những người giàu tiếp tục chi tiêu mạnh tay cho các kỳ nghỉ đắt đỏ hay mua thêm cổ phiếu hãng chip Nvidia...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Nền kinh tế Mỹ không ngừng mang tới những bất ngờ, khiến cả giới đầu tư và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đều không dám chắc điều gì đang thực sự diễn ra. Sự mất kết nối ngày càng gia tăng giữa tình hình tài chính của những người thuộc tầng lớp thu nhập cao và những người thu nhập thấp có thể là nguyên nhân dẫn tới một số tín hiệu xung đột.

Trong cú sốc mới nhất đối với thị trường tài chính, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế nước này có thêm 272.000 công việc mới trong tháng 5, tăng mạnh từ con số 165.000 công việc mới của tháng 4 và cao hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia kinh tế.

NHỮNG TÍN HIỆU XUNG ĐỘT

Báo cáo này đặc biệt gây khó hiểu bởi được đưa ra sau một loạt số liệu thống kê khác trong những tuần gần đây cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế, bao gồm thu nhập và tiêu dùng tăng chậm lại trong tháng 4, và hoạt động sản xuất giảm tốc trong tháng 5.

Những dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế Mỹ không chỉ đến từ các báo cáo của Chính phủ. Mấy tuần gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn cũng cho biết người tiêu dùng Mỹ đang có chiều hướng thắt lưng buộc bụng. Một ví dụ là hãng thực phẩm Campbell Soup mới đây dã hạ dự báo doanh thu với lý do người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm khi mua các sản phẩm snack - vốn là mặt hàng chủ lực của hãng - và chuyển sang các thương hiệu tư nhân có giá rẻ hơn.

Ngay trong bản báo cáo việc làm tháng 5 cũng có những dữ liệu xung đột, khiến giới phân tích cảm thấy khó hiểu. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp nói chung vẫn ở mức khá thấp so với tiêu chuẩn lịch sử là 4%, nhưng tỷ lệ thát nghiệp ở nhóm 20-24 tuổi là 7,9%, tăng mạnh từ mức 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ vào đầu tuần trước cho thấy số vị trí công việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm.

Theo một bài báo của tờ Wall Street Journal, một nguyên nhân phía sau những tín hiệu trái chiều từ nền kinh tế Mỹ có thể nằm ở việc những người ở phần thấp hơn của thang thu nhập - nhóm phải chi một tỷ trọng lớn hơn trong thu nhập cho các hàng hoá thiết yếu - đang cảm thấy eo hẹp về tài chính và kém lạc quan hơn về triển vọng công việc. Trong khi đó, những hộ gia đình giàu hơn vẫn tiếp tục chi tiêu.

Một trong những điểm gây bất ngờ lớn nhất của báo cáo việc làm tháng 5 là lĩnh vực giải trí và khách sạn-nhà hàng có thêm 42.000 công việc mới, tăng gấp 3 lần rưỡi so với con số 12.000 công việc mới của tháng 4 và cũng cao hơn nhiều so với mức bình quân 36.000 công việc mới mỗi tháng trong kỳ 12 tháng trước đó. Ngược lại, toàn bộ lĩnh vực sản xuất hàng hoá của nền kinh tế chỉ có 25.000 công việc mới trong tháng 5. Nội trong lĩnh vực giải trí và khách sạn - nhà hàng, ngành dịch vụ ăn uống có 24.000 công việc mới, và các ngành giải trí - sòng bạc có 10.200 công việc mới.

Đây là một sự tiếp diễn của xu hướng đã duy trì kể từ sau đại dịch, mà trong đó chi tiêu vào các dịch vụ có sự tăng trưởng vượt trội so với mua sắm hàng hoá, vì người tiêu dùng muốn bù lại những trải nghiệm mà họ đã không thể tham gia trong thời gian Covid-19 hoành hành. Ngược lại, nhu cầu mua sắm những thứ như đồ gia dụng không còn lớn như trước vì họ đã mua nhiều trong giai đoạn phong toả.

NGƯỜI GIÀU VẪN CHI TIÊU MẠNH MẼ

Thực ra, nhiều chuyên gia đã kỳ vọng xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ đến lúc phải giảm. Nhưng thay vì giảm, xu hướng này dường như lại đang tăng tốc. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ về tiêu dùng cá nhân, chi tiêu cho dịch vụ đã tăng 2,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2023 sau khi đã trừ đi lạm phát, nhanh hơn so với mức tăng bình quân 2,3% trong năm ngoái. Chi tiêu cho hàng hoá tăng 1,9% trong tháng 4, so với mức tăng bình quân 2% của năm 2023.

Một điểm đáng chú ý là các công ty phục vụ tầng lớp khách hàng giàu hơn đang tỏ ra lạc quan hơn. Trong khi các hãng thực phẩm nhận thấy người tiêu dùng trở nên chật vật hơn vì lạm phát, các công ty dịch vụ tàu du lịch lại đang ăn nên làm ra.

“Người tiêu dùng đang khoẻ. Đối tượng người tiêu dùng mà chúng tôi theo đuổi đang đặc biệt vững vàng và mạnh khoẻ”, Giám đốc tài chính Mark Kempa của công ty Norwegian Cruise Line Holdings phát biểu tại một sự kiện nhà đầu tư hôm 20/5. Những người đi tàu du lịch thường đến từ những hộ gia đình có mức thu nhập cao hơn trung bình.

Nếu nhìn sâu hơn, những người thuộc các nhóm thu nhập cao hơn ở Mỹ thường là những người sở hữu nhà riêng. Một phần lớn trong số họ có thể đang có khoản vay thế chấp nhà với mức lãi suất siêu thấp do đã ký hợp đồng vay hoặc đã được đảo nợ với lãi suất siêu thấp trong thời gian đại dịch. Họ cũng hưởng lợi từ xu hướng tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, đặc biệt là những cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Chưa kể, những hộ gia đình thu nhập cao còn không phải xoay sở với lãi suất cao đối với các khoản vay thẻ tín dụng hay vay mua xe ô tô. Thay vào đó, lãi suất cao thực chất lại đang mang đến cho các hộ giàu mức lợi nhuận đầu tư cao kỷ lục.

Nói cách khác, lạm phát ở Mỹ có thể sẽ dai dẳng ở lĩnh vực dịch vụ, khi những người giàu tiếp tục chi tiêu mạnh tay cho các kỳ nghỉ đắt đỏ hay mua thêm cổ phiếu hãng chip Nvidia. Tất cả những hoạt động này sẽ khiến Fed khó sớm có được sự tự tin để có thể giảm lãi suất.