WHO phê duyệt vaccine Covid-19 Johnson & Johnson
Vaccine của Johnson & Johnson có nhiều ưu điểm như không cần phải trữ lạnh sâu và chỉ cần tiêm một liều, phù hợp với các nước thu nhập thấp và trung bình
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/3 đã phê duyệt vaccine Covid-19 đơn liều của hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Vaccine này đủ điều kiện để được đưa vào cơ chế vaccine toàn cầu Covax - sáng kiến nhằm cung cấp vaccine cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, theo New York Times.
Đây là loại vaccine đơn liều đầu tiên trong 4 loại vaccine được WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Theo WHO, vaccine của Johnson & Johnson có nhiều ưu điểm để sử dụng tại các nước tham gia cơ chế Covax. Bên cạnh hiệu quả phòng ngừa các trường hợp Covid-19 nặng, vaccine này chỉ cần tiêm một liều và có thể bảo quản tới 3 tháng ở nhiệt độ lạnh thông thường. Do đó, vaccine này phù hợp tại các quốc gia và khu vực không có tủ đông hoặc kho siêu lạnh theo yêu cầu của một số loại vaccine khác.
"Chúng ta cần đảm bảo rằng các loại vaccine mới trở thành một phần của giải pháp toàn cầu, thay vì là nguyên nhân khiến một số nước bị bỏ lại phía sau", Tiến s Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết. "Chúng tôi hy vọng vaccine này sẽ giúp thu hẹp bất bình đẳng về vaccine, chứ không phải làm trầm trọng thêm vấn đề đó".
Trong tuần tới, WHO sẽ triệu tập một nhóm chuyên gia về tiêm chủng để đưa ra hướng dẫn sử dụng chính thức cho loại vaccine của Johnson & Johnson.
Covax đã có 500 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson. Tuy nhiên, công ty này đang gặp vấn đề trong khâu sản xuất và đã thỏa thuận giao 200 triệu liều cho Mỹ. Hợp tác giữa Johnson & Johnson và hãng dược phẩm Merck được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất.
"Chúng tôi hy vọng ít nhất vào tháng 7 tới có thể nhận được vaccine (của Johnson & Johnson) để có thể triển khai phân phối", Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao tại WHO, cho biết.
Cũng trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson. Khối này đang tìm nhiều nguồn vaccine khác nhau để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc Covid-19 do một biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2.
Sau động thái của EU, Tiến sĩ Paul Stoffels, Giám đốc Khoa học của Johnson & Johnson, cho biết công ty dự kiến sản xuất 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay và tới 3 tỷ liều trong năm tới. Công ty này đang đưa vào hoạt động 3 nhà máy sản xuất vaccine và sẽ có 7 nhà máy trên toàn cầu sẽ xử lý các khâu sản xuất cuối cùng.