Xả mạnh ở blue-chips, ngân hàng không "gồng" nổi chỉ số
5 cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN30 vẫn xanh, cộng thêm ACB bùng nổ đột biến cũng không đủ giúp VN-Index duy trì màu xanh. Áp lực bán lớn tại nhiều blue-chips khác khiến VN30-Index sụt giảm 0,62%
VN30-Index chạm đỉnh sớm hơn VN-Index nhưng nhóm blue-chips đã không thể hiện được vai trò dẫn dắt. Độ rộng của rổ VN30 quá hẹp, nhất là nhóm giảm có mặt hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn nhất khiến thị trường mất đi động lực quan trọng ở thời điểm cần thiết.
Ngay đầu phiên, áp lực bán đột ngột đã khiến Vn-Index mở cửa ngay dưới tham chiếu. Suốt cả ngày, chỉ số này chỉ hồi lên được 2 nhịp với thời gian duy trì khá ngắn ngủi và chấp nhận chốt phiên ở mức giảm nhẹ 0,07%.
VN30 trong phiên sáng chỉ có 3 mã tăng giá còn lại đều giảm, góp phần lớn trong việc đè giá chỉ số chính.
Lực bán chốt lời hàng năm cũ khá mạnh hôm nay khi chỉ trong phiên sáng, giá trị khớp lệnh riêng trên HSX đã đạt hơn 10.105 tỷ.
Nhóm ngân hàng hôm nay nổi bật lên đại diện ACB. Cổ phiếu này có một phiên tăng mạnh có nhịp cao chạm trần với lượng mua ồ ạt. Lượng khớp trong cả phiên là hơn 31 triệu đơn vị, đánh dấu phiên lịch sử của ACB với thanh khoản và giá chốt cao nhất lịch sử (31.100 đồng/cổ phiếu).
Cùng với ACB, hai đại diện nhóm ngân hàng khác là MBB và STB cũng được mua mạnh lần lượt 30 triệu và 22,5 triệu đơn vị, đưa 3 cổ phiếu này đứng top đầu trong nhóm giao dịch mạnh nhất thị trường. BID cũng duy trì sắc xanh với mức tăng có lúc lên được 2,5%.
Đến phiên chiều, sắc xanh lan rộng hơn trong nhóm ngân hàng với việc CTG, HDB trở lại tăng điểm. Tuy nhiên diễn biến tích cực không xảy ra đối với nhiều mã khi những mã lớn như VCB, TCB, VPB vẫn đỏ điểm.
Trong khi đó ở nhóm dầu khí, lực chốt lời diễn ra càng lúc càng mạnh hơn. Ngoài PLX giữ được sắc xanh thì các mã khác đều bị bán mạnh. PVD, BSR, PVS giao dịch trên 14 triệu đơn vị dù giá đỏ, tính ra nếu bán ở giá thấp hôm nay, nhà đầu tư T+3 cũng chỉ có lãi nhẹ 3-4% nhưng tính ở đà tăng mạnh của ngành này từ đầu tháng 2 đến nay, khoản lãi đã khá lớn.
Nhiều cổ phiếu dầu khí đã cao đạt đỉnh sau nhịp tăng quá tốt. Như PVD sau mức tăng hơn 40% từ đầu tháng 2 đến nay thì hôm nay bị chốt giảm 3,21%. GAS có phiên giảm 1,33% sau khi tăng hơn 20% sau 9 phiên, BSR cũng tương tự khi bị chốt lời giảm 3,2%.
Sau 25 phút đầu phiên chiều, chỉ số đã vượt qua được tham chiếu trong khi VN30 vẫn còn đỏ điểm dù số mã tăng giá đã được nâng lên 8 mã. Tuy nhiên trạng thái này không thể duy trì lâu, chỉ số lại vội lùi về dưới tham chiếu chỉ sau hơn 10 phút. Đà bán lại gia tăng, tuy nhiên đến cuối phiên cũng chỉ lấy mất của Vn-Index hơn 1 điểm.
Độ rộng thị trường khá hẹp và chủ yếu vẫn nghiêng về bên bán với 327 mã giảm trên cả hai sàn trong khi có 302 mã tăng.
Hệ thống tiếp tục nghẽn lệnh giao dịch sau 2h chiều, giá trị khớp lệnh trên HSX trong riêng buổi chiều chỉ đạt hơn 3.400 tỷ. Tổng giá trị khớp lệnh trên cả 2 sàn hôm nay đạt 15.238 tỷ đồng, thấp hơn tổng khớp lệnh phiên hôm qua. Với tình trạng nghẽn lệnh liên tục này này, thanh khoản và điểm số của VN-Index không thật sự phản ánh được cung cầu trên thị trường chứng khoán.
VN30 khá tệ trong hôm nay khi chỉ ngoi lên tham chiếu được 1-2 phút trong phiên sáng, còn lại đều sụt giảm. Kết phiên VN30 chỉ có 6 mã tăng giá trong đó 5 mã tăng mạnh nhất đều thuộc nhóm ngân hàng. Tuy nhiên mức tăng khá dè dặt cũng không đủ để kéo chỉ số. Trong khi chỉ có 2 mã tăng giá trên 2% thì có đến 9 mã giảm giá hơn 1% trong rổ.
VN30 giảm hơn 7,6 điểm trong ngày, mức giảm 0,64%, trong khi VnIndex chỉ giảm 0,09% về 1.173,5 điểm. Sức kéo hôm nay lại đến từ nhóm cổ phiếu penny. Chỉ số VNSML tăng mạnh nhất khi tăng 0,42%.
Tính cả thị trường, hàng "trà đá" bỗng dưng tăng trần hàng loạt. Top 10 tăng mạnh nhất thị trường điểm danh 10 cổ phiếu có giá dưới… 1.000 đồng/cổ phiếu trên UPCoM với mức tăng mạnh lên đến 25% với khối lượng giao dịch vài chục nghìn đơn vị trong khi ở các phiên trước, những mã này thậm chí còn không có ai giao dịch như S12, AVF, NTB, SGO, PXM…
Riêng trên HSX, nhóm hàng penny cũng chiếm đa số trong nhóm tăng kịch trần như QCG, NVT, DXV, CIG, DTA…
Trong nhịp giảm giá của những mã lớn, khối ngoại lại tranh thủ gom vào CII, VCB, MSN, VHM, VIC tuy nhiên khối lượng cũng không nhiều trong khi lại bán mạnh VNM. Dù cán cân mua bán khá cân bằng nhưng khối này cũng đã bán ròng nhẹ 12,85 tỷ trên HSX và 0,6 tỷ trên HNX.
Diễn biến hôm nay cho thấy khả năng chốt lời nốt của lượng hàng mua tại những phiên cuối cùng của năm cũ trên nền giá hiện tại sau 2 phiên tăng điểm đầu năm.