Xâm phạm bản quyền đang “cản bước” thị trường xuất bản số
Thị trường xuất bản sách toàn cầu năm 2024 được định giá khoảng 151 tỷ USD. Nếu tăng trưởng ổn định, thị trường này dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 192 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, theo các chuyên gia trong ngành, quy mô thị trường xuất bản sách tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 153 - 192 triệu USD)...

Tại Diễn đàn Xuất bản số 2025 (DPS 2025) mới đây, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Alpha Books, cho rằng nếu tính toán nhu cầu trên quy mô đầu người thực tế, ngành xuất bản của Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tới giá trị 20.000 - 40.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân “cản bước” thị trường xuất bản có rất nhiều, nhưng bản quyền vẫn là nút thắt cố hữu. Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ngành xuất bản Việt Nam cũng buộc phải chuyển mình để thích nghi và phát triển trên không gian số. Bài toán bản quyền lại càng nan giải bởi công nghệ ăn cắp nội dung ngày càng tinh vi và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành về quyền tác giả và quyền liên quan đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số vụ xâm phạm bản quyền còn cao, trong khi số trường hợp bị xử lý còn chưa tương xứng.
KHÓ ĐỊNH GIÁ THIỆT HẠI VI PHẠM BẢN QUYỀN TRÊN KHÔNG GIAN SỐ
Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, cho biết “các biện pháp răn đe hành vi vi phạm bản quyền có lẽ chưa đủ sức nặng. Mức xử lý cao nhất là hình sự lại rất khó áp dụng, đặc biệt trong môi trường số thì việc chứng minh được thiệt hại tài sản cụ thể lại không đơn giản. Vì thế, lâu nay đa số các vụ việc chỉ có thể xử phạt hành chính, do vậy chưa đủ sức răn đe, khiến hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn mà không bị ngăn chặn triệt để”.
Trên thực tế, ngay cả những quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ cũng đang phải vật lộn với nạn xâm phạm bản quyền trên không gian số. Tình trạng nghiêm trọng đến mức Hiệp hội Xuất bản Mỹ phải ký kết một thỏa thuận với tất cả các cơ sở in để kiểm soát rò rỉ bản quyền. Mặc dù vậy, đây vẫn không được xem là giải pháp căn cơ để ngăn chặn triệt để vấn nạn xâm phạm bản quyền tại Mỹ.
Tận dụng sự phát triển của công nghệ, các hành vi đánh cắp nội dung ngày càng trở nên tinh vi, dễ dàng vượt qua nhiều lớp kiểm soát và hệ thống phát hiện. Để ứng phó hiệu quả với tình trạng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ, từ chính sách quyết liệt hơn tới khâu thực thi mạnh tay, cùng sự chủ động của các nhà xuất bản và đẩy mạnh thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Theo ông Chung, thực tế phần lớn độc giả trưởng thành đều hiểu rằng việc xem, sử dụng nội dung vi phạm bản quyền là sai. Thế nhưng, nhiều người vẫn mặc nhiên coi mình là người được thụ hưởng và chỉ có thói quen tiêu dùng nội dung miễn phí. Họ chưa có tâm lý sẵn sàng trả phí hoặc thực hiện các thủ tục xin phép bản quyền trước khi sử dụng nội dung.
“Để thay đổi được nhận thức và hành vi này, không thể chỉ trong ngày một ngày hai. Cần có một chiến lược dài hơi để từng bước định hình lại văn hóa tiêu dùng nội dung có trách nhiệm”, ông Chung nói.
CẦN ĐẦU TƯ BÀI BẢN VÀO “SÂN CHƠI” BẢN QUYỀN SỐ
Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng tình rằng không vì chưa thể giải quyết vấn đề bản quyền mà ngành xuất bản của Việt Nam chần chừ trong quá trình chuyển mình lên không gian số. “Đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận rủi ro, kể cả vấn nạn xâm phạm bản quyền vẫn đang tiếp diễn”, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.
Hiện nay, tư duy xuất bản đang dần thay đổi, chuyển từ mô hình truyền thống “title by title” sang hướng tiếp cận hiện đại hơn - “product line”, nghĩa là một cuốn sách không còn chỉ là sản phẩm đơn lẻ, mà trở thành điểm khởi đầu cho cả một hệ sinh thái nội dung có thể phát triển đa dạng và liên tục theo nhu cầu của người dùng: từ ebook, audiobook, bản tóm tắt, thẻ ghi nhớ, podcast, video phân tích cho đến lớp học trực tuyến.
Lĩnh vực xuất bản điện tử đang tạo ra hàng tỷ USD mỗi năm tại nhiều thị trường lớn, chẳng hạn như Mỹ đạt khoảng 3 tỷ USD; Trung Quốc 1,9 tỷ USD và châu Âu khoảng 2,5 tỷ USD.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số trong ngành xuất bản cũng đang có những bước tiến tích cực. Theo Cục Xuất bản, hiện đã có hơn 50% nhà xuất bản tham gia lĩnh vực xuất bản điện tử, với sự gia tăng đáng kể về số lượng sách điện tử, sách nói, đặc biệt là các loại sách tương tác đa phương tiện.
Bên cạnh đó, thị trường máy đọc sách ở Việt Nam hiện ghi nhận khoảng 300.000 người dùng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Những con số này cho thấy dư địa phát triển rất lớn của ngành xuất bản trong kỷ nguyên số nếu biết tận dụng cơ hội và chấp nhận đổi mới tư duy.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Aki, cho rằng “nếu tư duy rằng chỉ khi nào chắc chắn chống được vi phạm bản quyền thì mới phát triển trên không gian số thì rất nguy hiểm”. Thay vào đó, theo ông Hùng, cần tiếp cận vấn đề bản quyền theo hướng chủ động và tích cực hơn.
Ông nhấn mạnh: “Thế hệ trẻ ngày nay rất cần tri thức. Điều quan trọng là chúng ta phải mang tri thức đến với độc giả một cách thuận tiện, nhanh chóng, để họ có trải nghiệm tốt. Khi thói quen tiêu dùng tích cực được hình thành, người dùng sẽ dần từ bỏ việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền”.
Theo chuyên gia, cốt lõi vẫn là tạo ra những sản phẩm thực sự hữu ích, đúng nhu cầu của người đọc, đi kèm mức chi phí hợp lý và trải nghiệm thân thiện nhờ ứng dụng công nghệ. Khi người dùng cảm thấy dễ tiếp cận và được phục vụ tốt, họ sẽ sẵn sàng trả phí. Đó mới là cách bền vững để xây dựng ý thức tôn trọng bản quyền...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2025 phát hành ngày 07/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1493
